Lý Tế Xuyên dẫn Sử Ký, hay Sử Ký của Đỗ Thiện tức là ta phải hiểu đó là
một cuốn Sử: cuốn sử ký của Đỗ Thiện. Như thế, Đỗ Thiện đã được nhắc
đến tất cả 8 lần trong những chuyện Hai Bà Trưng, thần Tô Lịch, Phạm Cự
Lượng, Mục Thận, Trương Hống và Trương Hát, Lý Phục Man, Cao Lỗ,
thần Đằng Châu. Riêng chuyện Lý Phục Man đã làm cho Maspéro chú ý.
Đầu tiên, chuyện căn cứ vào Sử Ký của Đỗ Thiện kể lại việc tuần phương
của Lý Thái Tổ, sự hiển linh của Lý Phục Man trước kia là thuộc tướng của
Lý Nam Đế, sau đấy là việc lập đền theo lời đề nghị của Ngự sử Đại Phu
Lương Văn Nhậm. Đến đây câu chuyện được chuyển từ đời Lý đến đời
Nguyên Phong nhà Trần (1251-1258) nhắc đến việc thần hiển linh phù trợ
cho vua tôi nhà Trần chống Thát Đát. Theo sử, Maspéro chỉ có biết một Đỗ
Thiện, Đỗ Thiện mà vào khoảng tháng 2- 1127 trước ngày Lý Nhân Tông
băng hà đã đến nhà Sùng Hiền Hầu để báo cho Hầu biết con của Hầu lên
ngôi vua. Maspéro nhận thấy năm 1127 cách năm 1257 quá xa, do đó giả
định có một Đỗ Thiện khác sống vào đầu thế kỉ XIV. Giả định của Maspéro
đã bị Gaspardone bắt bẻ năm 1934, trong Bibliographie Annamite.
Gaspardone viết: “Phải nhận rằng giai thoại về việc Thát Đát nhập khấu dẫn
ra ở đó cũng như ở truyện tiếp theo sau là ở ngoài truyện Lý Phục Man”.
Như thế nghĩa là một đàng không thể có một Đỗ Thiện khác ngoài Đỗ
Thiện đời Lý, một đàng phải nhận rằng khi Lý Tế Xuyên dẫn chứng một tác
giả ở đầu chuyện là không bắt buộc phải hiểu rằng cả chuyện ấy thuộc về
tác giả hay tác phẩm đã dẫn. Mỗi khi Lý Tế Xuyên nhắc đến tên một tác
phẩm, bao giờ ông cũng dùng chữ An nghĩa là xét, và như vậy, án không
nghĩa là trích, là lấy cả đoạn văn của tác phẩm dẫn chứng làm của mình.
Phương pháp của Lý Tế Xuyên là một phương pháp cổ truyền, dẫn một tác
giả để tăng thêm uy lực của bằng chứng mà thôi, chẳng khác gì như La
Bruyère khi viết cuốn Les Caractère đã phải nhân đề tác phẩm là: “Les
Caractères de Théopraste trraduits du grec v.v…” 35. Nếu không hiểu như
thế, làm thế nào ta có thể giải thích được ý định của Lý Tế Xuyên khi ông
dẫn 2 hay 3 tác phẩm cùng một lúc ở đầu chuyện, tỉ dụ trong chuyện Tô
Lịch, tác giả đã xét Sử, Giao Châu Ký và Báo Cực Truyện. Có lẽ lại phải
tạo ra một Đỗ Thiện nữa cũng không biết chừng!