TRƯƠNG HỐNG, TRƯƠNG HÁT (Khước Địch
Thiện Hựu Trợ Thuận Đại Vương Uy Địch Dũng
Cảm Hiển Thắng Đại Vương)
Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thì hai Vương là hai anh em. Thời Nam
Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu, đóng quân ở cửa
Phù Lan130, đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi
ngô, đến ra mắt vua và thưa rằng:
- Bọn nghịch tặc hoành hành đã lâu lắm, chúng tôi xin tòng quân trợ
chiến. Vua lấy làm lạ, hỏi rằng:
- Bọn khanh là người nào. Cô này chưa hề biết mặt; đã có lòng thông
cảm thì nên cho biết tính danh.
Hai người đều sụp xuống lạy, thưa rằng:
- Bọn thần là anh em, vốn người Phù Lan, nguyên họ Trương, anh tên là
Hống, em tên là Hát, đều làm tướng của Việt Vương131. Việt Vương bị Lý
Nam Đế đánh bại, Nam Đế đem lễ vật đến rước bọn thần có ý muốn cho
làm quan. Bọn thần thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh
chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn
khuất cái tiết bất di dịch này ư? Mới trốn vào ở núi Phù Long; Nam Đế
nhiều lần cho người đến truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người
bắt. Bọn thần không còn đường tiến thối nên đều uống thuốc độc mà qua
đời. Thượng đế thương bọn thần vô tội chết chẳng phải mệnh, sắc bỏ chức
Than Hà Long Quân Phó Sứ, tuần hai sông Vũ Bình và Lạng Giang đến tận
trên nguồn, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ. Trước kia Tiên Chúa132 trong
chiến dịch Bạch Đằng, bọn thần đã hiệu lực trợ thuận.
Vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng:
- Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì
dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời.