Lúc đầu mình đã hỏi cô G: “Sao em lại phải đọc những cuốn sách về
những người chẳng có gì giống em? Đó là những người thậm chí em còn
không biết và em sẽ không thể hiểu được họ vì họ có hiểu em đâu!” Mình
tự thấy mình là người thông minh, thông minh thì mới có thể hỏi được câu
đó. Mình tự nhủ: “Cô ấy sẽ không thể nào trả lời mình được đâu vì lần này
mình đã đúng”. Cô ngước lên và chậm rãi nói: “Sao em có thể nói như vậy
được? Em thậm chí còn chưa mở trang bìa cuốn sách cơ mà. Cứ thử đi, biết
đâu đấy. Sách sẽ mang cả cuộc sống phơi bày trước mắt em”. Vậy là mình
bắt đầu đọc cuốn sách có tên là Nhật ký Anne Frank, vì mình muốn chứng
minh cho cô Gruwell biết là cô đã sai. Mình chỉ muốn chứng minh những gì
cô nói là không đúng và rằng cái thủ thuật nho nhỏ của cô chẳng có tác
dụng gì với mình cả. Mình ghét đọc sách, mình ghét cô ấy, vì chuyện đó.
Nhưng thật ngạc nhiên, điều mình chứng minh được lại là mình đã sai
vì cuốn sách đó quả thật đã đi vào cuộc sống của mình. Đọc tới cuối cuốn
sách, mình như muốn phát điên vì Anne Frank đã chết và khi cô ấy chết,
một phần trong mình cũng chết cùng với cô ấy. Mình khóc khi cô ấy khóc
và cũng giống như cô ấy, mình cũng muốn biết vì sao người Đức lại giết hại
đồng bào của cô ấy. Cũng như cô ấy, mình biết cái cảm giác phân biệt
chủng tộc, cảm giác bị coi thường chỉ vì màu da của mình. Cũng như cô ấy,
“đôi khi mình cảm thấy mình giống như một con chim bị nhốt trong lồng,
chỉ muốn thoát ra”. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu mình khi đọc xong
cuốn sách là cô G đã nói đúng. Quả thật mình đã tìm thấy chính mình trong
những trang sách, đúng như cô ấy đã nói với mình.
Nhật ký 37
Nhật ký thân yêu,