Sự đạo đức giả của mình đã giáng cho mình một đòn chí mạng. Suốt cả
một năm dài, mình đã khuyến khích học sinh của mình tránh dùng những từ
như “tất cả” hay những từ chung chung chỉ tất cả khác. Thậm chí mình còn
cho những em là nạn nhân của thói chụp mũ, vơ đũa cả nắm miêu tả những
nguy hiểm, tác hại của việc dán nhãn, mác cho một nhóm người. Renee
Firestone - người sống sót sau vụ thảm sát của Đức quốc xã - đã nhắc lại
quan điểm của mình bằng cách khẳng định với học sinh của mình rằng:
“Đừng để hành động của một vài người quyết định cảm nhận của bạn về cả
nhóm của họ. Hãy nhớ rằng không phải tất cả những người dân nước
Đức đều là Phát xít!” Vậy mà giờ mình lại đang chụp mũ, đang vơ đũa cả
nắm khi nói “tất cả những giáo viên”, trong khi trên thực tế, chỉ có một vài
người không thích mình. Thật ra, cũng có những giáo viên rất tốt.
Nếu mình để một vài “đồng nghiệp” đuổi ra khỏi Wilson thì bọn trẻ mới
thật sự là những kẻ chiến bại. Chúng có thể cho rằng, cũng giống như nhiều
người khác, mình là người bảo lãnh cho chúng. Mình nhận ra rằng mình cần
phải hoàn thành việc mà mình đã bắt đầu. Ngoài ra, mình không quyết định
theo nghề giáo chỉ để giành chiến thắng trong những cuộc giao tranh như
thế. Do đó, mình đã quyết định ở lại Wilson và dành toàn bộ sức lực cho
việc dạy Ngữ văn chứ không quan tâm tới những kẻ ghen ăn tức ở kia nữa.
Bằng cách ở lại, mình đã có được phần lớn số học sinh từ các lớp học
năm ngoái. Ngoài số đó, mình còn có một nhóm hoàn toàn mới - nhóm học
sinh mà không một người nào muốn nhận! Lớp học của mình trở thành
điểm đến của những học sinh phải chuyển trường do bị kỷ luật, những học
sinh đang trong giai đoạn phục hồi chức năng sau tai nạn và những học sinh
đang trong giai đoạn thử thách. Nhưng nếu Sharaud - học sinh đã tốt nghiệp
hồi tháng Sáu - có thể thay đổi cuộc đời cậu ấy thì những học sinh mới này
vẫn có hy vọng. Nhưng thật trớ trêu, “hy vọng” là từ không hề có trong vốn
từ vựng của bọn trẻ.