Cho nên sau khi Thiệu-Kỳ cầm quyền được ít tháng, Thượng tọa Trí Quang
phát động phong trào “đòi thực hiện dân chủ, đòi tướng lãnh trở về với
nhiệm vụ quân đội, đòi tuyển cử tự do...” Phong trào đấu tranh âm ỷ rồi nổ
bùng kể từ đầu năm 1966, tạo thành giai đoạn xáo trộn lần thứ hai, đặc biệt
là tại quân khu I do tướng Nguyễn Chánh Thi giữ chức Tư lệnh.
Trong thời gian chống chế độ Diệm vào năm 1963, ta chỉ thấy mục đích của
Phật giáo và của Thượng tọa Trí Quang là đòi hỏi “bình đẳng tôn giáo, tự do
hành đạo”, nhưng từ sau khi chế độ Diệm bị lật đổ và nhất là từ khi cuộc
chỉnh lý của Nguyễn Khánh mở màn cho sự phục hồi của Công giáo Cần
Lao thì ta thấy Phật giáo và Thượng tọa Trí Quang thực sự dấn thân vào đấu
tranh chính trị. Vậy lập trường chính trị và thái độ của Thượng tọa Trí
Quang đối với hiện tình đất nước như thế nào?
Một số ký giả, học giả ngoại quốc đặc biệt nghiên cứu “bộ mặt mới” của
Phật giáo Việt Nam, từng theo dõi các cuộc đấu tranh của Phật giáo hoặc
được gần gũi, phỏng vấn Thượng tọa Trí Quang và nhận xét của họ như sau.
Theo Jerrold Schecter thì:
Lập trường của Trí Quang là chống đối những kẻ khai thác việc chống
Cộng. Ông ta nhấn mạnh rằng “Phật giáo chẳng những là nạn nhân của
những kẻ lợi dụng việc chống Cộng. Hiện nay ở trong nước có ba lực
lượng: Việt Cộng, những kẻ lợi dụng việc chống Cộng, và thứ ba là quần
chúng”. Trí Quang nói rằng “Người Mỹ quan niệm người Việt Nam nên
chấp nhận và chịu đựng những chính phủ xấu bởi vì tình hình Việt Nam
đang nguy ngập do Việt cộng gây nên. Trái lại Phật giáo nhất định chống
đối những chính phủ xấu vì những chính phủ này chỉ làm lợi cho Cộng
Sản”. Trí Quang nói tiếp: “Tôi mạnh mẽ tin tưởng Cộng Sản sẽ không bao
giờ thành công, tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng chủ nghĩa Cộng Sản
không phải là lý tưởng của nhân loại. Nhân loại còn có những triết thuyết
cao hơn”. Trí Quang cho rằng Hoa Kỳ chỉ chú ý đến những cấp lãnh đạo
chính quyền mà không nghĩ đến quần chúng nhân dân. Hỏi Trí Quang có
muốn Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam không thì ông ta trả lời “Dân Việt Nam
chịu đau khổ hàng ngày, không ai muốn chiến tranh kéo dài, tuy nhiên dân
Việt Nam không ai muốn bị đặt trước một giải pháp như trường hợp nước