- Tổ chức ô hợp.
- Tinh thần quá khích, cơ hội chủ nghĩa, đầu óc phiêu lưu của nhóm tranh
đấu trong “Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc” và sinh viên Huế.
- Hậu quả xáo trộn trong giai đoạn Một còn ám ảnh tinh thần nhân dân và
quân đội, do đó đưa đến sự thiếu thiện cảm và sự ủng hộ của nhân dân đối
với cuộc đấu tranh 1966 của Phật giáo.
- Tiềm lực đấu tranh chỉ thu hẹp trong thành phố Đà Nẵng và Huế, làm cho
cuộc tấn công của quân chính phủ được thực hiện dễ dàng.
- Tình hình chiến tranh sôi động, cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Việt
Nam, quyết tâm ủng hộ các tướng Thiệu-Kỳ và quyết tâm leo thang chiến
tranh của Tổng thống Johnson gây tâm lý lạc quan cho các đảng phái và các
phần tử chống Cộng. Từ đó, họ nghi ngờ phong trào đấu tranh của Thượng
tọa Trí Quang là phong trào tay sai của Cộng Sản.
- Sự xâm nhập dĩ nhiên của các phần tử thân Cộng vào hàng ngũ đấu tranh
hầu chia rẽ, ly gián phe quốc gia, phá hoại phong trào đấu tranh để gây phân
hóa thêm cho quần chúng.
Nhớ lại trong chín năm cai trị của nhà Ngô, hơn nơi nào hết, dân chúng
miền Trung, đặc biệt là Phật tử và các đảng viên Việt Quốc và Đại Việt là
chứng nhân, nạn nhân, đối tượng đau khổ nhục nhã nhất của chính sách tàn
ác vô độ của lãnh chúa Ngô Đình Cẩn, của tập đoàn hung thần trong cơ
quan công an mật vụ, trong ban Công Tác Đặc Biệt miền Trung, trong trại
Chín Hầm; là chứng nhân, nạn nhân, đối tượng đau khổ nhục nhã nhất của
nền kỳ thị tôn giáo hiểm độc và trắng trợn của ông Ngô Đình Thục, Phạm
Ngọc Chi và nhóm Công Giáo Cần Lao; là chứng nhân, nạn nhân, đối tượng
đau khổ nhục nhã nhất của nạn bóc lột vơ vét, tham nhũng, nạn hối mại
quyền thế của hai hai ông Thục, Cẩn, và bộ hạ tay sai. Chín năm sống dưới
chế độ Diệm, thân phận người dân miền Trung chẳng khác nào bùn lầy, rác
rơm, sâu bọ:
Trong nệm ấm kẻ bạo tàn đâu có biết
Bao thân người chui rúc dưới tanh hôi
Và nghe hồn khóc kể mãi không thôi...