Hoành Linh Đỗ Mậu
VIỆT NAM Máu Lửa Quê Hương Tôi
Chương 1
QUẢNG BÌNH
QUÊ HƯƠNG ĐỊNH MỆNH
Trong suốt quá trình lịch sử cận đại của nước ta, trên cả ba miền đất nước
mà đặc biệt tại miền Trung, khi nói đến cái “lò” cách mạng hay cái “nôi”
văn học là phải nói đến hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ở phía Bắc Đèo Ngang,
và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ở phía Nam Đèo Hải Vân. Những bậc
hào kiệt tài danh đứng đầu ngọn sóng cách mạng hoặc làm đẹp cho nền thi
văn đất nước như các cụ Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du,
Nguyễn Công Trứ đều xuất thân từ vùng đất Nghệ-Tĩnh; còn những tên tuổi
của các cụ Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp thì lại vươn lên từ
vùng đất Nam-Ngãi, nơi được mang danh là đất của “Ngũ Phụng Tề Phi”
(năm con phượng cùng bay) nhờ kỳ thi Hội năm Mậu Tuất (1898), ba tiến sĩ
và hai phó bảng trong số mười tám vị chiếm bảng vàng đều xuất thân từ tỉnh
Quảng Nam, cho nên vua Thành Thái mới ban cho năm vị tân khoa bốn chữ
“Ngũ Phụng Tề Phi” vang rền đất nước.
Nghệ-Tĩnh và Nam-Ngãi, dưới thời Pháp thuộc, cũng chính là vùng đất bất
khuất, tiếp nối truyền thống cách mạng chống ngoại xâm của cha ông, vùng
lên đối kháng chính quyền bảo hộ Pháp mà điển hình là các cuộc đấu tranh
của Văn Thân và Cần Vương, là phong trào chống thuế ở Nam-Ngãi, là
phong trào Sô-Viết ở Nghệ-Tĩnh. Các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng
và một số các lãnh tụ khác của đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng xuất thân từ
lò luyện thép này.
Bên cạnh vóc dáng và khí thế lẫy lừng của bốn tỉnh kể trên, Bình-Trị-Thiên
là ba tỉnh nằm giữa hai ngọn đèo lớn đó của miền Trung, vì quen nhọc nhằn
chống lại thiên nhiên hà khắc, lại vốn làm cái đòn gánh chính trị oằn vai vì
sức nặng cách mạng của bốn tỉnh tiếp giáp nên cũng đã cưu mang trong sức
sống tất cả cái hào hùng và oan nghiệt của lịch sử. Tỉnh Quảng Bình, tuy là