cây, lại có ải-quan trơ gan cùng ngày tháng, có Cổ Lũy pha đậm nét rêu
phong, cảnh trí vừa hùng vĩ, vừa nên thơ dễ làm động lòng khách du quan
mỗi khi đi qua Đèo. Vua Lê Thánh Tôn, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu… những thi hào tên tuổi của Việt Nam dừng chân trên
đỉnh đèo, động lòng hoài cảm trước cảnh vật giao hòa đã để lại những vần
thơ láng lai tình non nước. Người Việt Nam không mấy ai không biết bài
thơ hoài cảm Qua Đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc-quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia-gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Cách Đèo Ngang 15 cây số về phía Nam có con sông Gianh mà lòng sông
vừa sâu lượng nước lại vừa chảy mạnh. Sông Gianh bắt nguồn từ núi rừng
Trường Sơn hiểm trở, bạt núi xuyên ngàn tạo ra nhiều thác lắm ghềnh và đổ
òa ra biển Đông, cắt đôi đất nước thành hai miền riêng biệt. Bề ngang rộng
lớn của dòng sông và thế chảy mãnh liệt của dòng nước biến sông Gianh
thành một trở lực thiên nhiên hữu ích cho các nhà quân sự muốn tạo ra một
thế bố phòng vững chắc vào cái thời mà vũ khí và các phương tiện vận tải
còn giới hạn.
Cửa sông Gianh nước chảy xiết, khó bắc cầu, thuyền bè qua lại khó khăn
nguy hiểm nên dân gian mới ví von:
Bao giờ nước cạn Đồng Nai,
Sông Gianh bớt chảy mới phai lời nguyền.
Tuy cửa sông Gianh hiểm trở nhưng đây cũng lại là nơi phong cảnh hữu
tình, nên thơ với tiếng gió thổi lộng qua hàng dương liễu vi vu trỗi lên
những bản nhạc du dương trầm hùng, với những cánh buồm nâu trở về bến
cũ khi bóng xế chiều tà, với tiếng sóng dạt dào theo con nước thuỷ triều lên
xuống. Khách lữ hành mỏi mệt sau những chặng đường dài trên con đường