ca ngợi là chốn đào nguyên hạ giới, người trần tục không nên lui tới: Động
môn vô tỏa thực, tục khách bất tàng lai [3].
Quảng Bình, quê hương tôi, còn rất nhiều sơn kỳ, thủy tú. Có lẽ vì tạo hóa
đặc biệt ân thưởng để đền bù cho một vùng đất vốn không được ưu đãi về
mặt kinh tế như các vùng khác của đất nước, lại gặp quá nhiều đau khổ vì
ách nước tai trời, vì chinh chiến triền miên theo dọc chiều dài lịch sử. Trong
thời xa xưa, Quảng Bình liên tiếp đã là bãi chiến trường của hai quốc gia
Chiêm-Việt; đến đời nhà Lê, Quảng Bình lại đắm chìm trong can qua vì
cuộc phân tranh của hai nhà Trịnh-Nguyễn. Trong thời Pháp thuộc, vùng
Tuyên Hoá phía Tây Quảng Bình là chiến khu của vua Hàm Nghi, vùng tả
hữu ngạn sông Gianh trở thành chiến địa giữa nghĩa quân Cần vương và
quân đội viễn chinh của thực dân, giữa người Lương chống Pháp và người
Giáo theo Pháp. Thời chiến tranh Pháp-Việt, 1945-1954, vùng Bắc Quảng
Bình là biên giới của hai phe lâm chiến, nhiều trận giao phong ác liệt đã xảy
ra nơi vùng tiền tuyến của hai bên. Thời chiến tranh Nam Bắc Quốc Cộng
(1954-1975) Quảng Bình là tuyến đầu của quân đội miền Bắc, được sử dụng
như một căn cứ tiền phương với nhiệm vụ tình báo, tồn trữ quân nhu, quân
cụ và là xuất phát điểm của những chiến dịch xâm nhập hay tấn công quân
đội miền Nam, nên đất và dân Quảng Bình đã phải hứng chịu nhiều trận
mưa bom hãi hùng, bất tận của không quân Mỹ-Việt.
Ông bà xưa thường nói người khôn của khó. Câu nói đó áp dụng đúng cho
trường hợp nhân dân Quảng Bình. Dân Quảng Bình nghèo khó, dân Quảng
Bình gặp tai ương triền miên, nhưng người Quảng Bình lại thông minh, khí
phách, can trường và nhất là dám sống chết cho lý tưởng.
Tuy Quảng Bình không có những nhân vật nổi tiếng về văn học và cách
mạng như các danh sĩ Nghệ-Tĩnh và Nam-Ngãi, nhưng số người đỗ đạt
khoa giáp lại rất nhiều, đặc biệt là tại hai phủ Quảng Trạch và Quảng Ninh.
Quảng Trạch có bốn đại xã văn học là SƠN (Lệ Sơn), HÀ (La Hà), CẢNH
(Cảnh Dương), THỔ (Thổ Ngọa). Quảng Ninh có bốn đại xã là VĂN (Văn
La), VÕ (Võ Xá), CỔ (Cổ Liễu), KIM (Kim Nại). Tên của tám xã góp lại
thành hai vế của một câu đối là Sơn Hà Cảnh Thổ đối với Văn Võ Cổ Kim,
đã đem lại danh dự cho dân chúng Quảng Bình. Ngoài hai phủ Quảng Trạch