cùng của sự đau khổ.
-o0o-
Song song với nhân vật Bảo Đại trong thời gian đó là nhân vật Ngô Đình
Diệm, người từ tư cách là một thần tử của nhà Mạt Nguyễn, với thời thế và
nỗ lực, đã đi đến hành động quyết liệt nhất của mối liên hệ vua tôi bằng
cách truất phế vị Hoàng đế của mình.
Dòng họ Ngô Đình vốn quê làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng
Bình và theo đạo Công giáo La Mã từ thế kỷ thứ 17. Trong giai đoạn quân
Pháp đánh chiếm Trung Kỳ và Bắc Kỳ (khoảng 1870), khi phong trào Văn
Thân nổi lên chống Pháp cứu nước và phát động chiến dịch chống Đạo thì
dòng họ Ngô Đình phải bỏ làng Xuân Dục phủ Quảng Ninh mà di cư về
làng Đại Phong thuộc huyện Lệ Thủy của cùng tỉnh Quảng Bình, nơi có
nhiều làng Công giáo hơn tại Quảng Ninh.
Theo những bô lão ở Quảng Bình thì nội tổ của ông Diệm thuộc vào hàng
bần dân khốn khổ. Ký giả Robert Shaplen xác định rõ ràng hơn rằng nội tổ
của ông Diệm sinh sống bằng nghề chài lưới [23], cho đến đời thân phụ của
ông Diệm là ông Ngô Đình Khả, nhờ quân Pháp đánh chiếm và bình định
được tỉnh Quảng Bình, nên liên hệ được với các vị Cố đạo để được các giáo
sĩ cho đi học chữ Hán và chữ Pháp tại một trường dòng ở Penang (Mã Lai).
Trong đám du học sinh này còn có ông Nguyễn Hữu Bài, người Công giáo
quê Quảng Trị, một nhân vật thủ đoạn và có cùng một cảnh ngộ thơ ấu bần
hàn như cụ Ngô Đình Khả.
Hai ông Khả và Bài sau khi học xong, được người Pháp đưa về nước và cho
làm thông dịch viên ở tòa Khâm sứ Huế. Thời bấy giờ số người Việt nói và
viết được tiếng Pháp còn rất hiếm hoi, nhất là ở Trung Kỳ, hai ông lại được
Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp đặc biệt nâng đỡ nên đã được các viên
chức cai trị Pháp trọng dụng và được triều đình An Nam phong chức tước
và phẩm hàm rất mau.
Năm 1885, khi phong trào Cần Vương ở Quảng Bình nổi lên phò vua Hàm
Nghi chống Pháp, ông Ngô Đình Khả được quân Pháp và triều đình An