một cái “vì” nào khác, còn kẻ viết thì cũng xuất thân từ vùng đất cày lên sỏi
đá xơ xác đó, nên hình như cũng đã được định mệnh an bài để không thể trở
thành một kẻ đứng bên dòng lịch sử, bàng quan và lạc lõng, mà lại bị cuốn
hút vào cơn cuồng phong của thời đại, nên đều liên hệ với cả ba nhân vật
này mà đặc biệt là liên hệ khắng khít với ông Ngô Đình Diệm từ những
ngày đầu tiên khi còn là một trong những cán bộ tiên phong và nòng cốt của
cái tổ chức mới manh nha của ông ta. Nhưng rồi sau suốt 22 năm trời kể từ
1942, chia sẻ với nhau những giây phút vinh quang và khốn khổ của bao
cuộc thăng trầm vinh nhục, trở thành chiến hữu trung kiên và cốt cán của tổ
chức (và sau này của chế độ), cuối cùng kẻ viết lại trở thành một nhân vật
trọng yếu trong công cuộc lật đổ và chấm dứt chế độ của ông Diệm vào năm
1963 để cho lý tưởng ban đầu của mình vẫn là lý tưởng keo sơn với dân tộc,
để cho chuyển mình của mình gắn bó với chuyển mình của thời đại.
Ôn lại dĩ vãng, và bây giờ ở vào cái tư thế có thể nhìn lại một cách sáng suốt
và tự do hơn chuỗi biến cố của lịch sử đất nước kể từ khi làn gió dữ Tây
phương cuộn thổi vào quê hương trải dài thành gần trăm năm đô hộ Pháp và
hơn 30 năm chiến tranh Quốc Cộng, lại được dịp lần giở kinh xưa sách cũ
và đàm luận cùng những người bạn hiền thầy giỏi cùng thế hệ, kẻ viết lại
chủ quan thấy thấm thía hơn về cái thuyết “Vô Thường” của đạo Phật và cái
thuyết “Lý Số” của đạo Nho, để từ đó chấp nhận như là nhân sinh quan
khoáng đạt và giải thoát của chính mình.
Trong cuốn Nho Giáo, học giả Trần Trọng Kim đã sơ giải cái Tổng Hợp Đề
cần thiết cho sự Đồng Nguyên huyền diệu của Tam Giáo ở nước ta khi ông
viết:
Có một điều ta nên chú ý là cái tư tưởng của Nho Giáo đời Tống có lắm chỗ
phảng phất tương đồng với Lão Giáo và Phật Giáo. “Số” là cái uyên nguyên
của Nho Giáo do Kinh Dịch mà ra, mà Kinh Dịch là sách bàn về Lý Học,
chung cả bên Lão lẫn bên Nho. Dịch Học cho cái đầu của vũ trụ do “Động,
Tĩnh” mà biến thành Âm Dương rồi sinh ra vạn vật, vạn vật chung quy lại
trở thành Thái Cực. Đó là cái lý “Đồng quy nhi thù đồ, Nhất trí nhi bách lự”
của Khổng Tử đã nói trong Hệ từ. Lý Thái Cực ấy bên Lão Giáo gọi là
ĐẠO, bên Phật Giáo gọi là BHUTA TATHATA danh hiệu tuy khác nhưng