hỏi liền: “Nghe nói anh sinh vi tướng, tử vi thần phải không?” Tôi tự nghĩ
xưa nay ông Diệm với tôi nhiều đêm rảnh rang thầy trò thường đàm đạo
chuyện đời không quên đề cập đến chuyện lý số mà ông rất thích thú và tin
tưởng. Nho học ông cao thâm hơn tôi nhiều, ông đã đọc Kinh Dịch cho nên
mỗi lần hai thầy trò bàn đến Đông y, phong thổ, dịch lý là rất tương đắc.
Những lúc đó, ông thường gọi già Ẩn, người đầy tớ trung thành, đem rượu
lễ hay cà phê để hai thầy trò cùng uống và bàn bạc chuyện thế sự nhân tình.
Khi tướng Hồ văn Tố chết, ông giải thích rất nhiều về bệnh Thượng mã
phong như có ý tỏ cho tôi biết rằng ông cũng thành thạo chuyện phòng the,
nhưng rồi ông kết luận dù sao thì chuyện chết sống cũng đều do số mệnh.
Thế mà hôm nay, ông lại có ý mỉa mai tôi về chuyện Tử vi. Tuy nhiên thấy
ông vừa nói vừa mỉm cười, tôi đoán thầm rằng ông không có ý trách móc
mà thật ra chỉ vì ông Nhu xúi dục. Tôi bèn tương kế tựu kế cho Ngô Đình
Nhu một bài học về lý số cho vui nên trả lời với ông Diệm: “Thưa cụ, có lẽ
vì anh em (tôi muốn nói đến nhóm Cần Lao) nghe mấy thầy tử vi nói số của
tôi là số “sinh vi tướng tử vi thần” rồi họ về báo cáo cho cụ và ông Cố vấn
biết chứ tôi đâu dám nghĩ tới chuyện Tướng với Thần”. Tôi liếc nhìn ông
Ngô Đình Nhu và nói thêm: “Thưa cụ, Tướng với Thần là phải như Tiết
Nhơn Quý đời Đường. Mặc dù xuất thân là kẻ bần hàn hạ lưu nhưng Tiết
Nhơn Quý gặp được và hết lòng khuôn phò minh quân chân chúa, sống ông
làm nguyên soái, chết ông trở thành vị Thần thiêng liêng. Còn tôi xuất thân
chỉ làm một anh đội khố xanh theo Cụ làm cách mạng chống Tây, rồi đánh
nhau với Cộng sản mười mấy năm trời, nay làm đến Đại tá tôi tự cho là lớn
lắm rồi, còn đâu nghĩ đến chuyện Thần với Tướng”. Ông Nhu bây giờ mới
bảo tôi : “Nhưng anh không nên đi đến nhà thầy bói để bị mê hoặc”.
Tôi ra về vừa suy nghĩ vừa thương ông Diệm chỉ vì nể người em Tây học
mà tự dối lòng mình. Lại cười thầm cho nhà trí thức Ngô Đình Nhu, bụng
đầy chữ nghĩa nhưng đầu óc kiến thức thì đã bị giam hãm vào tín điều Thiên
Chúa giáo Tây phương thì làm sao hiểu được căn nguyên của những nền
đạo học Đông phương. Ngô Đình Nhu làm gì hiểu được thuyết phúc đức
của đạo Nho, thuyết nhân quả của đạo Phật, chi phối toàn bộ họa phước con