quan trọng, ông Cẩn bèn dùng độc kế để biểu lộ sự bất mãn của mình. Ông
Cẩn quyết định bỏ ngày cúng kỵ cha đúng vào ngày mồng Ba Tết Quý Mão.
Hành động có tính cách phản kháng liều lĩnh đó là một hành động vô tiền
khoáng hậu đối với gia đình họ Ngô lúc bấy giờ. Từ khi nắm được chính
quyền, ngày kỵ của cụ Ngô Đình Khả đã trở thành một ngày hết sức trọng
đại, ngày để gia đình họ Ngô biểu dương cái không khí "thế gia vọng tộc",
ngày để khoe khoang cái tinh thần nho phong "nhân sinh bách tuế hiếu vi
tiên" cho đúng với lễ nghĩa của thánh hiền. Ngày cúng kỵ cụ Ngô Đình Khả
lại đúng vào ngày mồng Ba Tết, là dịp để cháu con sum họp đầy đủ, để anh
em tạm quên những xâu xé giành giật, tạm quên sóng gió trong gia đình hầu
biểu dương cái tình máu mủ cho cả nước biết.
Cứ trưa ngày mồng Một Tết, sau khi nhận lễ chúc tụng đầu năm của nhân
viên chính phủ và ngoại giao đoàn tại phủ Tổng thống là ông Diệm bay về
Huế để mừng tuổi mẹ, thăm mộ cha anh, rồi ở lại 3 ngày để tham dự buổi
cúng kỵ Phụ thân cùng với gia đình, quây quần bên cạnh mẹ trong mấy
ngày xuân. Ngày kỵ cụ Ngô Đình Khả cũng là dịp để mỗi năm một lần, gia
đình Tổng thống Diệm có dịp thết đãi nhân viên thân tín từ Sài Gòn ra hay
từ các tỉnh về, đồng thời để đãi đằng những người đồng hương quê quán
tỉnh Quảng Bình trong hội "Quảng Bình tương tế" mà mục đích là tô điểm
cho bức hoành phi mang bốn chữ Y Cẩm Hồi Hương thêm vàng son hoa
gấm.
Với ông Ngô Đình Cẩn thì việc nuôi dưỡng mẹ cũng như việc kỵ giỗ cha, ở
một khía cạnh nào đó, được dùng như một lợi khí để lập công với anh em
cho nên không lấy gì làm lạ khi tết Quý Mão năm 1963, ông đã liều lĩnh bỏ
kỵ Cha để cho mẹ phải buồn lòng, để anh em mang tội bất hiếu, để gia đình
mất mặt với quốc dân. Ông Cẩn tưởng dùng độc kế để bắt chẹt anh em cho
thoả nỗi căm phẫn uất ức của mình đồng thời yểm trợ cho những đòi hỏi
mới. Không ngờ ông gặp phải phản ứng của kẻ đối thủ số một của ông là bà
Nhu, người đàn bà mang hỗn danh là "Rồng Cái", không nể sợ một ai kể cả
cha ruột, kể cả chồng, kể cả ông anh chồng là một Tổng thống, kể cả Đức
Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Lục.
Mồng Một Tết về đến Huế và biết được việc bỏ kỵ cha là một quỷ kế của