Suốt năm trời vì quá lo âu bày mưu tính kế đối phó với Phật giáo và Mỹ nên
mặt ông Nhu trông hốc hác, cặp môi đã thâm lại thâm thêm, cặp mắt vốn
mờ đục bấy giờ lại bị các quầng đen làm sâu hẳn. Ông không biết rằng càng
nói càng làm cho hội trường thêm chán ghét và căm thù. Những hứa hẹn
cũng như những đe dọa mà ông trình bày bằng một giọng lè nhè vì uống quá
nhiều rượu whisky, chỉ làm cho hội trường thêm chán nản. Làm sao ông có
thể đề cập đến lòng yêu nước và xây dựng quốc gia khi chính ông đang âm
mưu thỏa hiệp với Cộng Sản và đang làm ung thối liên hệ đồng minh với
một nước bạn chống Cộng ? Nhưng ông Nhu cũng say sưa nói, và vẫn chủ
quan tin rằng mình đang thuyết phục được một hội trường vốn đã biết khá
rõ về âm mưu của ông cũng như đang có những vận động đối chọi kịch liệt
với ông.
Cái bệnh chủ quan này trước đó đã dẫn ông Nhu vào thế cờ tàn mà Hà Nội
giăng bẫy và sau này dẫn ông Nhu đến cửa tử của kế hoạch Bravo.
Bản tính thứ ba của ông Nhu là liều lĩnh. Không phải liều lĩnh trong cái
nghĩa can đảm, biết trước được những khó khăn mà vẫn làm, nhưng lại là
cái nghĩa cuồng tín của một người làm mà không cần biết hậu quả sẽ xảy ra
cho mình hay cho đất nước như thế nào.
Sự liều lĩnh đó bắt nguồn từ niềm tin có tính cách tín ngưỡng về vai trò lãnh
đạo mà “ơn trên” đã ban cho, từ mặc cảm tự tôn cho mình không bao giờ
lầm lẫn và từ ảo tưởng rằng các bộ máy công an, mật vụ, các lực lượng
chính trị, tôn giáo và quân sự đã được đảng Cần Lao kiểm soát. Sự liều lĩnh
đó cũng bắt nguồn từ bản chất cá nhân của ông Nhu luôn luôn thích bạo
động, thích âm mưu, thích khuynh loát, thích thủ đoạn,… và say sưa với
những bạo động, âm mưu, khuynh loát, thủ đoạn đó.