Một linh mục người Pháp vốn biết rất rõ về con người của ông Nhu, từ năm
1959, đã nói rằng: “Nhu có đầy đủ khả năng để bắt tay với Cộng Sản. Nhu
sẽ thỏa hiệp với Cộng Sản khi nào cảm thấy bị dồn vào chân tường. Nhu là
thứ người hành xử hoàn toàn theo chính sách “sau ta là trận đại hồng thủy”
(après moi, c’est le deluge) [17]. Sau này tính liều lĩnh đó đã thể hiện rõ
ràng hơn khi:
… sự chống đối của tướng lãnh, của người Mỹ, và của Phong trào Phật giáo
đã không cho Nhu một chọn lựa nào khác hơn để bám lấy chính quyền
ngoài cách liều lĩnh thỏa hiệp với Hà Nội. Với Nhu thì không có gì là mất
thể diện. Tất cả mọi nhân chứng đều cho thấy nhà mưu sĩ của chế độ, vì
sống riêng biệt trong căn phòng bọc gấm và xa rời thực tế nông thôn, cứ
tưởng chương trình Ấp Chiến Lược là một thành công. Những phúc trình
của các sĩ quan khúm núm và các công chức sợ sệt đã cứ lải nhải (về sự
thành công) như thế, còn Việt Cộng thì họ hiểu rằng nếu có thỏa hiệp, chắc
chắn họ sẽ có lợi [18].
Vừa chuộng lý thuyết vừa nặng đầu óc chủ quan, lại tính liều lĩnh nên khi bị
dồn vào thế đường cùng thì ông Nhu không thể làm gì khác hơn là quay về
thỏa hiệp với kẻ thù Cộng Sản, một kẻ thù mà vì đầu óc tiêm nhiễm những
lý thuyết khuynh tả Tây phương, ông Nhu đã không thấy nó phi nhân bản và
phản tiến hóa, một kẻ thù mà nặng đầu óc chủ quan, ông Nhu đã không
đánh giá được một tương quan lực lượng rất bất lợi cho miền Nam, một kẻ
thù mà vì tính liều lĩnh thủ đoạn, ông Nhu đã không cần biết những hậu quả
gì sẽ xảy ra sau khi thỏa hiệp.