Lalouette cũng cho biết đã từng khuyến cáo Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge và
Đại sứ Đức Von Wentlandt rằng không nên lật đổ ông Diệm, vì ông Diệm là
hy vọng cuối cùng để Việt Nam có hòa bình.
“Nếu Diệm và Nhu bị lật thì tất cả kế hoạch của chúng ta nhằm chấm dứt
chiến tranh và tiến đến một thỏa hiệp với miền Bắc sẽ ra mây khói… Diệm-
Nhu không có gì tốt cả, những hành động của họ mới đây thật là kinh
khủng, nhưng bây giờ chúng ta chỉ có họ là chống Mỹ thôi” [41].
Tuy nhiên, tối đó đã không có đảo chánh vì đã không có một cuộc binh biến
nào do Mỹ tổ chức, và riêng về phía Việt Nam thì những vận động để lật đổ
chế độ Diệm vẫn trong giai đoạn tiến hành nhằm kết hợp thành một lực
lượng rộng lớn hơn và chặt chẽ hơn.
Ngày 2 tháng 9, ông Nhu viết một bài trên tờ Times of Vietnam tố cáo CIA
“âm mưu lật đổ chế độ hợp pháp tại Việt Nam” để công khai và quyết liệt
hơn bày tỏ chủ trương chống Mỹ của Diệm–Nhu. Maneli đến gặp ông Nhu
lần thứ nhì tại dinh Gia Long trong cái không khí ngột ngạt đó của Sài Gòn.
Trước hết ông Nhu trình bày triết lý chính trị của ông một cách rất mơ hồ về
bản chất chính trị và tâm linh của cuộc chiến tại Việt Nam, vì theo ông Nhu
cuộc chiến không phải chỉ đơn thuần là một cuộc tranh chấp Quốc Cộng.
Chủ nghĩa tư bản chỉ có giá trị cho đến thế kỷ thứ 19, sau đó thì không còn
dùng được nữa. ông Nhu chấp nhận một số luận đề Mác Xít ngoại trừ duy
vật sử quan và vô sản chuyên chính. Theo ông Nhu, sự mâu thuẫn giữa
những người theo chủ nghĩa nhân vị tại Sài Gòn và những người Cộng Sản
tại Hà Nội không liên hệ gì đến quyền tư hữu trong chủ nghĩa tư bản mà liên
hệ đến những giá trị tinh thần, và ông Nhu nhấn mạnh: