cây chè cắt hình một con cọp, mỗi lần gió thổi, cọp chè lay động theo bóng
đêm làm nhiều người đi qua trông thấy phải giật mình. Năm 1947, khi quân
Pháp đổ bộ lên Quảng Bình, ông Võ Nghiễm bị bắt đem về giam ở lao Thừa
Phủ, Huế. Ông ta chết ở trong lao và được chôn tại đó nhưng không biết làm
sao mà hài cốt được Việt Minh đào lên và di chuyển đến một chỗ bí mật
khác, có lẽ đã đem về chôn ở Quảng Bình.
Sự kiện ông Võ Nguyên Giáp phải đến thị sát Đà Lạt và vùng Tây Nguyên
đã nói lên tính cách nghiêm trọng của tình hình miền Nam và Cao nguyên
lúc bấy giờ. Sau cuộc thị sát của ông Võ Nguyên Giáp, tôi được chỉ thị của
Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến Đà Lạt đem tiểu đoàn bố trí từ ngoại ô
thành phố đến Dran (Đơn Dương), có một trung đội của ông Từ Bộ Cam từ
Huế vào tăng cường. (Ông Từ Bộ Cam sau này là Đại tá Không quân, hiện
ở tiểu bang Washington). Tiểu đoàn gồm độ 500 binh sĩ nhưng vũ khí đều là
loại vũ khí cũ của Pháp và Nhật để lại, hoả lực chính của tiểu đoàn là ba
khẩu liên thanh kiểu FM 1924-1929. Chủ lực của tiểu đoàn gồm một số lính
Khố xanh cũ có kinh nghiệm tác chiến, nhưng phần lớn còn lại toàn là thanh
niên mới gia nhập, chưa được huấn luyện gì. Tình trạng tiểu đoàn như thế
mà tôi phải đương đầu với cuộc tấn công của liên quân Anh-Pháp-Nhật,
được yểm trợ bởi một chi đội thiết giáp.
Sau khi thảo luận với chính trị viên của tiểu đoàn, tôi quyết định tránh đụng
độ trực diện với kẻ thù, chỉ tìm cách cầm chân hay giảm thiểu sức tiến của
địch để bảo toàn đơn vị và để chờ bộ chỉ huy Đà Lạt có thì giờ triệt thoái.
Áp dụng kỹ thuật hoán vị các đại đội, tôi cho ba tổ liên thanh di chuyển từ
cao điểm này đến cao điểm khác của vùng đồi núi Đơn Dương, bám theo đà
tiến của kẻ thù mà phục kích tấn công. Dĩ nhiên hoả lực yếu kém của chúng
tôi chỉ làm cho địch chuyển quân chậm hơn và gây thiệt hại không đáng kể,
chứ không thể nào cầm chân hay công phá được sức tiến của đoàn thiết
giáp. Sau một ngày một đêm vừa đánh vừa lùi, cuối cùng tôi ra lệnh bỏ
chiến trường Đơn Dương, rút quân về Ninh Thuận. Với hơn 300 binh sĩ còn
lại, tôi và bộ chỉ huy tiểu đoàn băng rừng về miền núi phía Tây tỉnh Phan