đó không nằm chết trên trang sách cổ mà đã được vận dụng sáng tạo qua
bao nhiêu thời đại, để trong mỗi thời đại đều thấm sâu vào nếp suy tư, lối
hành xử của mỗi người dân.
Vì văn hóa là sống, sống tỉnh thức, sống không ngưng nghỉ nên văn hóa
Việt đã là sức mạnh sống động, uyển chuyển nâng dân tộc dậy khi bị quỵ
ngã, đẩy dân tộc đi khi ngập ngừng. Và vì trong văn hóa đã có tính biến
động nên chúng ta không phải chỉ lo khư khư bảo vệ lấy nó mà không biết
tiếp nhận và tinh lọc những nguồn văn hóa cao đẹp khác để bồi đắp thêm
phong phú cho nền văn hóa nước nhà. Nhưng tiếp nhận mà vẫn duy trì cái
cốt lõi đặc thù của chúng ta, không lệch lạc, không biến tính, không mất
gốc.
Là một kẻ ít học, không xuất thân từ con đường khoa bảng, mà lại cầm đầu
ngành văn hóa giáo dục, tôi biết sẽ nhận lấy những búa rìu dư luận đương
thời. Nhưng trước cuộc chiến tranh mất còn với một kẻ thù tối nguy hiểm,
trước một cuộc khủng hoảng nhân tâm của quốc gia, trước tình trạng sinh
lực bị hao mòn của dân tộc, đã không có một Nguyễn Trãi dâng Tâm Công
Sách giúp kẻ áo vải đất Lam Sơn đánh đuổi quân xâm lăng, đã không có
một Sơn La Phu Tử giúp nhà vua ít học Quang Trung có một chính sách tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì ít nhất tôi cũng có thể làm võ tướng Hoàng
Cái đời Tam Quốc nhà Hán, dẹp qua một bên bọn hủ nho Giang Đông bụng
chứa đầy chữ nghĩa mà chỉ biết tranh luận suông, bàn xuôi nói ngược, khua
môi múa mép khi đại quân Tào Tháo đang đe dọa bờ cõi.
Sau khi nhận nhiệm vụ điều khiển ngành văn hóa giáo dục, tôi cần phải
kiểm điểm lại gia tài và định giá lại những sinh hoạt văn hóa do chế độ cũ
để lại. Chế độ cũ đã từng có những đại hội văn hóa và giáo dục, có đại hội
văn nghệ chống đối văn nghệ miền Bắc, có hai năm phát giải thưởng văn
chương, có hội Khổng học, có đồ án thiết lập Trung Tâm Văn Hóa trên khu
đất cạnh dinh Gia Long... Về giáo dục, nhờ viện trợ Mỹ, nhất là nhờ thiện
chí của giáo sư Buttinger, chế độ Diệm đã xây cất Học Viện Quốc Gia Hành
Chánh, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Trường Đại Học Chính Trị Kinh
Doanh tại Đà Lạt, và Viện Đại Học Huế,...
Nhìn bề ngoài thì nền văn hóa giáo dục dưới chế độ Diệm cũng có vẻ “trăm