Nhà Tây Sơn tái thống nhất và đổi mới
Cũng như chế độ nhà Trịnh, chế độ nhà Nguyễn ở miền Nam cũng sa
vào một cuộc khủng hoảng tương tự, sâu sắc và không phương cứu chữa.
Trên vùng đất của chúa Nguyễn vào cuối thế kỷ, đã khởi phát một phong
trào khởi nghĩa quét sạch các chế độ Nguyễn và Trịnh, thống nhất lại đất
nước, đặt những tiền đề cho một cuộc đổi mới dân tộc. Khốn thay, vì những
lý do mà chúng tôi sẽ thử cố gắng phân tích nhà Tây Sơn không giữ được
quyền bính lâu dài và ngay từ đầu thế kỷ XIX, các thế lực phong kiến phản
động đã lại thắng thế phục hồi chế độ phong kiến dưới những hình thức lạc
hậu nhất của nó.
Khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn
Cũng như ở miền Bắc, dưới chế độ của nhà Nguyễn, nạn chiếm đoạt
ruộng đất bởi tay của địa chủ, quan lại và hào lý đã dồn đông đảo nông dân
vào cảnh khốn cùng và phá sản. Trên lãnh địa của các chúa Nguyễn, trong
một thời gian, vẫn nạn này đã tìm được một lối thoát trong công cuộc khai
thác những miền đất mới của đồng bằng sông Mê Kông; các đất đai được
nông dân vỡ hoang, tuy rằng sau đó đã bị địa chủ chiếm đoạt, vẫn còn khá
rộng và đủ độ phì nhiêu để làm dịu bớt cuộc khủng hoảng. Nhưng ở các
tỉnh thuộc Trung Bộ, diện tích canh tác chật hẹp đến nỗi chỉ cần bị chiếm
đoạt chút ít là người nông dân nghèo không còn đất sống. Ngay từ năm
1613, triều đình chúa Nguyễn đã phải can thiệp bằng cách thiết lập một địa
bạ nhằm hạn chế quy mô sở hữu ruộng đất. Sự can thiệp mang tính hành
chính này chỉ có hiệu quả nhất thời, trong các làng xã, địa chủ và hào lý,
được sự đồng lõa của quan lại, phớt lờ phép nước. Năm 1669, trước tình
trạng gay gắt của cuộc khủng hoảng, chúa Nguyễn lại ban hành lệnh cấm
chiếm đoạt ruộng công. Nhưng theo sử gia Lê Quý Đôn, vào thế kỷ XVIII,
lệnh Chúa vẫn không ngăn được tình trạng rất nhiều xã không còn ruộng
đất công để chia cho nông dân theo định kỳ. Tình trạng đó tác hại đến sản