đuôi áo của kẻ chiếm đóng. Dân chúng ngày càng nổi giận, uy tín của
vương triều nhà Lê vĩnh viễn bị tiêu tan.
Nguyễn Huệ lúc bấy giờ đang ở Phú Xuân. Ba anh em Tây Sơn trong
thời gian đó đã chia nhau lãnh thổ. Người anh cả là Nguyễn Nhạc trị vì ở
miền Trung đóng ở Quy Nhơn, Nguyễn Lữ được giao cho cai trị vùng Gia
Định và đồng bằng sông Mê Kông, còn Nguyễn Huệ thì chịu trách nhiệm
phần phía Bắc đèo Hải Vân.
Để đương đầu với cuộc xâm lược của quân Thanh, Nguyễn Huệ muốn
hành động nhân danh toàn thể dân tộc bị nhà Lê phản bội. Trong một buổi
lễ long trọng, ông để mọi người tôn mình lên làm vua, lấy vương hiệu là
Quang Trung và lập tức ngay sau đó hạ lệnh tiến quân ra Thăng Long. Đó
là ngày 21 tháng Mười Hai năm 1788. Ngày 26, quân Tây Sơn đã ở Nghệ
An, Nguyễn Huệ duyệt một vạn quân và lên tiếng hô hào binh sĩ.
“Quân Thanh đã xâm lược nước ta, chiếm kinh thành Thăng Long. Trong
lịch sử của mình, để chống Hán chúng ta đã có Hai Bà Trưng; chống giặc
Tống chúng ta có Đinh Tiên Hoàng; chống quân Nguyên có Trần Hưng
Đạo; chống quân Minh có Lê Lợi. Các đấng anh Hùng đó đã không chịu
khoanh tay nhìn quân thù dầy xéo đất nước ta, các vị đã dìu dắt nhân dân
nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược. Quân Thanh quên mất những gì đã xảy
ra cho bọn Tống, Nguyên, Minh đã xâm lược nước ta. Chúng ta sẽ đánh
đuổi chúng ra khỏi bờ cõi”
Năm sắp hết. Lúc bấy giờ đã là 20 tháng Chạp âm lịch. Tới Ninh Bình,
Nguyễn Huệ hạ lệnh cho quân sĩ tổ chức ăn Tết trước và nói với họ:
“ Đến ngày mồng bảy tháng Giêng sang năm, chúng ta sẽ vào Thăng
Long và sẽ mừng xuân tại đó. Hãy nhớ lấy lời ta và các ngươi sẽ thấy là
đúng”.
Quân Tây Sơn nghỉ mười ngày để tuyển thêm quân, đến 30 tháng Chạp,
chia thành ba cánh lại tiếp tục tiến về Thăng Long. Cánh do Nguyễn Huệ
trực tiếp chỉ huy xông thẳng theo hướng trực chỉ Thăng Long, hất khỏi
đường tiến của mình các đồn tiền tiêu của địch và ngày mồng ba tháng