có lẽ là những đồng minh của nhau, bởi nhân dân của hai nước chủ yếu đều
thuộc giống người Mã Lai - Polinêdieng.
Người ta có thể cho rằng sự thống nhất của vương quốc đã được thực
hiện dưới triều vua Bhadravarman I, lãnh thổ Champa lúc bấy giờ mở rộng
đến tận Đèo Ngang(vĩ tuyến 18). Tuy nhiên phần phía bắc của Champa
thường hay bị Trung Quốc xâm chiếm, mỗi khi ở tại nước này, một triều
đại giữ vững được thế ổn định trong một thời gian dài và mỗi khi Trung
Quốc sa vào loạn lạc thì Champa lại nhân cơ hội đánh chiếm lại lãnh thổ
của mình. Đã nhiều lần, quân Trung Quốc tiến đánh kinh đô của Champa,
phá hủy đền đài cung điện, cướp đem đi nhiều báu vật. Tuy nhiên, lần nào
người Chăm cũng chống cự quyết liệt, buộc quân Trung Quốc phải rút lui.
Dưới triều đại Gangaraja từ thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ tám, gồm chín
đời vua nối tiếp, kinh đô đặt ở Sinhapura(thành phố Sư Tử) là địa điểm của
thị trấn Trà Kiệu trên bờ sông Thu Bồn ở phía tây nam Đà Nẵng hiện nay.
Cách Sinhapura chừng mười hai cây số là tổ hợp thánh địa Mỹ Sơn gồm
nhiều ngôi đền thờ các vị thần Ấn Độ giáo đã được xây dựng qua nhiều
thời kỳ.
Đó là thời kỳ ưu thế của nhóm Cây dừa của bắc Champa, với sức mạnh
dựa vào những nguồn lực của vùng đất ruộng Quảng Nam, Đà Nẵng hiện
nay, đông dân hơn so với các đồng bằng ở xa hơn về phía nam. Những bất
hòa và xung đột giữa hai miền bắc và nam Champa rõ ràng là một nhân tố
làm suy yếu vương quốc này, đi đôi với sự uy hiếp đến từ phía bắc do nạn
bành trướng của đế chế Trung Hoa đã đứng chân được trên lãnh thổ Việt
Nam thời đó.
Tuy nhiên, người ta khó biết được chính xác những lý do vì sao ở các thế
kỷ tám và chín, nước Champa đã buộc phải dời đô xuống phía nam để thiết
lập một kinh đô mới lấy tên là Ponagar trên địa điểm của thành phố Nha
Trang hiện nay. Tuy nhiên, vương triều định đô ở phía nam vẫn không vì
thế mà không khẳng định quyền lực của mình đối với phần phía bắc của đất
nước.