Sau đây, chúng tôi chỉ nêu lên những tác phẩm và những tác giả quan
trọng nhất.
Những nhà thơ lớn của thế kỷ XVIII
Về thơ, chúng tôi chỉ nói đến hai tác phẩm lớn là: Chinh phụ ngâm và
Cung oán ngâm khúc và các bài thơ châm biếm của Hồ Xuân Hương.
Chinh phụ ngâm do tác giả Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán, được biết
đến nhiều hơn qua bản dịch Nôm của nhà thơ Đoàn Thị Điểm; đây là một
bài thơ rất dài(408 câu) tả những nỗi buồn, lo và hy vọng của một người
đàn bà có chồng ra trận. Trong các tác phẩm phong kiến cổ điển, chiến
tranh thường được nêu lên như là một dịp để các thần dân chứng tỏ lòng
trung với vua và giành lấy vinh quang, ở trong tác phẩm này, chiến tranh
chỉ đem lại đau khổ, chia ly, tai họa. Những cuộc chiến tranh liên miên
không dứt giữa các vua chúa phong kiến để củng cố đặc quyền đặc lợi,
hoặc để loại trừ những địch thủ của mình, đã không còn khơi dậy một chút
nhiệt tình nào.
Chinh phụ ngâm là tiếng vang của những bài dân ca chống chiến tranh.
Bản dịch Nôm được thực hiện bằng một ngôn ngữ tế nhị nhưng giản dị, rất
giàu nhạc điệu, mô tả một cách tính tế những tình cảm đang xâm chiếm
người vợ của kẻ chinh phu. Đây là lần đầu tiên một tác phẩm được tập
trung thể hiện những tình cảm nội tâm của một người đàn bà, nói cho chính
xác đó là một tác phẩm lãng mạn.
Cung oán, tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều(1741 - 1798) kể về những
đau khổ của một thiếu phụ, có sắc có tài, buộc phải sống một cuộc đời
quạnh hiu, bị bỏ mặc trong lãnh cung của nhà vua. Xuất thân từ một danh
gia vọng tộc liên minh với chúa Trịnh, tác giả đã có điều kiện được nhìn tận
mắt sự suy đồi của nền quân chủ phong kiến. Bằng sáng tác của mình, ông
lên tiếng tố cáo một trong những khía cạnh lạc hậu nhất của chế độ này.
Số phận như thế của người phụ nữ được nêu bật trong Cung oán và
Chinh phụ ngâm cũng là một trong những đề tài chủ yếu trong tác phẩm
của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một nhà thơ không chỉ cam tâm than vãn mà