Quân sĩ cho vua là đàn bà, chẳng thể cầm cự được, bèn bỏ chạy. Quốc
thống từ đó lại đứt” (tờ 2b).
Lời bàn
Về Hai Bà Trưng, xin được mượn hai lời bàn của hai sử gia tiền bối lỗi
lạc là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên thay cho lời bàn của tác giả. Cả hai lời
bàn này đều có trong sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỷ, quyển 3).
- Lời của Lê Văn Hưu như sau: “Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà, vậy
mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65
thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ
như trở bàn tay, xem thế cũng đủ biết hình thế nước Việt ta có thể dựng
nghiệp bá vương được. Tiếc thay, trong khoảng hơn ngàn năm, từ sau họ
Triệu (chỉ Triệu Thị Trinh) đến trước họ Ngô (chỉ Ngô Quyền), bọn đàn
ông chỉ biết cúi đầu khoanh tay làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng
là xấu hổ với hai chị em đàn bà người họ Trưng hay sao? Ôi, như thế cũng
có thể nói là tự vất bỏ mình rồi vậy” (tờ 3a).
- Lời của Ngô Sĩ Liên như sau: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo
ngược, liền vung tay hô một tiếng mà khiến cho quốc thống của nước nhà
có cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng đâu phải chỉ khi sống thì dựng
nước xưng vương, mà còn cả ở khi chết còn có thể ngăn chặn tai họa. Phàm
gặp những tai ương hạn lụt, cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả
đến Trưng Nhị cũng vậy. Ấy là vì đàn bà mà có đức hạnh của kẻ sĩ, cho
nên, khí hùng dũng ở trong khoảng trời đất chẳng vì thân đã chết mà kém
đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy khí phách cương trực và
chính đại đó hay sao?” (tờ 4a).
Bạn nghĩ gì về hai lời bàn này?