được chúa cho làm vua, chuyện nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự thực hài
hước lại là như vậy. Đáng cười ra nước mắt là đấy chăng?
Chọn người nào dễ khiến để cho làm vua, không nói cũng đã rõ tâm địa
của nhà chúa thế nào. Được chọn, vua lặng lẽ lên ngôi vua, không nói cũng
có thể biết, khí khái của người làm vua đáng giá cỡ nào.
Chọn mặt để bắt … làm vua, cổ kim ắt chẳng còn ai quá quắt hơn Trịnh
Giang được nữa. Bấy giờ, bề tôi không ai dám nói gì, sự thể ấy kể cũng
chẳng có gì là lạ. Đến như vua mà còn phải ngoan ngoãn nghe theo, bề tôi
làm sao cả gan nói trái ý chúa?
Lê Duy Thận lên ngôi, đấy là Lê Ý Tông. Nhờ ngoan ngoãn lại cũng nhờ
ít lời nên được yên phận làm vua 5 năm (1735-1740) và sau lại còn được
yên phận làm Thượng hoàng thêm 19 năm nữa (1740-1759). Hóa ra, biết
nghe lời chúa vẫn hơn.
Lê Dụ Tông có ba người con được các chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang
cho nối nhau lên làm vua. Đành phải nói vậy chớ còn biết nói sao hơn bây
giờ. Chả lẽ nói Lê Dụ Tông đã để lại cho ngai vàng những ba bức tượng gỗ,
dẫu nói như thế mới có phần đúng hơn!