lại cho dân nghèo để họ có kế sinh nhai. Nay theo tân sách, trừ các bậc đại
vương và trưởng Công chúa, không ai được cấy quá 10 mẫu ruộng. Số
ruộng thừa phải nộp cho Nhà nước. Ngoài ra, ai có tội hay bị giáng truất
đều được lấy ruộng để chuộc tội, đủ hiểu chính sách cải cách điền địa được
áp dụng mọi phương tiện thích nghi và rất rộng rãi.
Đi đôi với việc trên, việc sưu thuế cũng được sửa đổi lại. Mỗi mẫu tư
điền theo chế độ cũ (thuế đinh có từ đời Trần) phải nộp 3 thăng thóc. Mỗi
mẫu dân nộp từ 7 quan đến 9 quan. Thuế đinh mỗi xuất nhất luật phải nộp 3
quan (theo đề nghị của Đổ Tử Bình được thi hành từ năm Mậu Ngọ, Xương
Phù thứ hai – 1378)
Năm Nhâm Ngọ (1402), họ Hồ định lại: ruộng tư điền mỗi mẫu phải nộp
5 thưng. Ruộng dâu chia làm 3 hạng: hạng nhất đóng 5 quan, hạng nhì 4
quan, hạng ba 3 quan. Thuế thân tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Hạng vô sản và cô nhi, quả phụ được miễn. Hạng có 5 sào, phải nộp 5 tiền
giấy. Hạng có từ 6 sào đến 1 mẫu, phải nộp 1 quan tiền giấy. Hạng có 1 mẫu
1 sào đến 1 mẫu 5 sào, nộp 1 quan 5 tiền giấy. Hạng có 1 mẫu 6 sào đến 2
mẫu phải nộp 2 quan tiền giấy. Hạng có 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sào đều
phải nộp 2 quan 6 tiền giấy. Hạng có 2 mẫu 6 sào trở lên nộp 3 quan tiền
giấy.
Riêng việc sửa đổi về sưu thuế này không có lợi mấy cho dân, trái lại
dân chúng phải đóng góp nặng hơn trước. Theo chế độ cũ đã thi hành đến
năm Mậu Ngọ (1378), thuế thân vẫn tính theo số ruộng: ai có một hai mẫu
ruộng mỗi năm phải đóng 1 quan tiền. Ai có ba bốn mẫu phải đóng 2 quan.
Ai có 5 mẫu trở lên phải đóng 3 quan. Nhưng tổng quát mà nói chế độ mới
vẫn có lợi cho dân hơn chế độ cũ. Có lẽ từ năm Mậu Ngọ (1378) đến năm
Nhâm Ngọ (1402), việc áp dụng đề nghị của Đỗ Tử Bình đã gây nhiều ác
cảm trong dân chúng nên Quý Ly có ý cải cách để thu phục lại nhân tâm.
Cùng theo một đường lối với việc cải cách điền địa, Quý Ly hạn chế cả
việc dùng dân nghèo làm nô lệ. Ông đã không dung việc lạm quyền của giai