Nước lụt bấy giờ mới cạn, gió Đông Nam thổi không ngừng. Thuyền
Tây Sơn dương buồm thẳng tiến. Quân Trịnh nạp đạn vào súng Bảo lân bắn
ào ạt. Quân Tây Sơn lui vào bên sông chờ tối đến mới từ từ thả vài chục
chiến thuyền sang mặt trận của Trịnh có đủ binh sĩ, kẻ giáo người kích.
Quân Trịnh bắn như mưa để ngăn lại.
Thuyền Tây Sơn chìm dần trong im lặng.
Trời tảng sáng, nhìn ra Nhưỡng mới biết đã bắn hết đạn vào những
thuyền chỉ có đám binh sĩ kết bằng rơm của địch.
Biết mắc mưu, Nhưỡng liền cho quân bỏ thuyền chạy lên cạn thì đại đội
thủy quân Tây Sơn sấn đến, đạn bắn vèo vèo như chuyển cả núi sông, các
cổ thụ bên bờ cũng gãy đổ răng rắc. Quân Trịnh vẫn lùi.
Quân Nam xông lên đuổi, quân Bắc chết như rạ. Hai cánh quân của Trấn
Thủ Sơn Nam và của Trịnh Tự Quyền làm thế ỷ dốc cho Nhưỡng, thấy thủy
quân đại bại mất tinh thần, liền tan vỡ.
Quân của Tây Sơn không gặp sức kháng chiến nào đáng kể nữa, liền tiến
mãi vào Hiến Doanh (Phố HIến tỉnh Hưng Yên).
Sơn Nam thất thủ ngày 24 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786).
Phòng Tuyến Thứ Hai Của Trịnh Tan Vỡ
Bọn Trịnh Tự Quyền và Đinh Tích Những bại trận càng làm cho triều
đình Bắc Hà điên loạn.
Ưu binh và Nhất binh (lính Tam phủ) hàng ngày vẫn vỗ ngực khoe trung
thành với vua và chúa vì thuộc Quí hương[5], bảo nhau mỗi nhóm rút một
nơi. Ở lại đương đầu với quân Nam Hà chỉ còn quân Bắc: Nghĩa binh.