Rồi ít bữa sau dân chúng lại lục đục kéo nhau trở về, chợ búa lại họp,
các hoạt động hàng ngày lại tiếp tục theo nhịp sống bình thường.
Qua hôm sau, vua Lê sai người sang phong cho Nguyễn Huệ (Huệ trú
tạm bên Trịnh phủ) làm Nguyên Súy, Dực Chính Phù Vận Uy Quốc Công.
Huệ nhận rồi sai người vào hoàng cung tạ ơn, nhưng trong lòng có ý bất
mãn, nghĩ rằng triều đình Bắc Hà lấy chức tước phong cho mình có ý lung
lạc và coi Huệ vào loại người không biết gì chăng.
Công Chỉnh khéo léo lắm mới làm cho Huệ nguôi giận và sang thảo luận
với vua Lê kiếm cách làm đẹp lòng người đang nắm trong tay vận mệnh
Hoàng Gia và Bắc Hà. Rồi người ta đi đến chỗ gả cho chủ súy Tây Sơn cô
gái thứ hai mươi mốt của nhà vua là Ngọc Hân công chúa bấy giờ mới 16
tuổi, nhan sắc rất mặn mà[7], lại có tài văn chương thi phú.
Vài ngày sau, bệnh tình của nhà vua thêm trầm trọng, rồi mất vào ngày
17 tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), sau 47 năm ở ngôi làm bù nhìn cho họ
Trịnh.
Do sự chấp thuận của Nguyễn Huệ, Hoàng Tôn Lê Duy Kỳ được nối
ngôi lấy niên hiệu là Chiêu Thống[8].
Nguyễn Huệ Về Nam
Trước khi cất quân ra Bắc Hà, sợ “kiểu mệnh” theo lời của Nguyễn Hữu
Chỉnh, Huệ đã gửi thư[9] về Qui Nhơn “Xin đại cử Bắc phạt”. Vua Thái
Đức có ý không bằng lòng vội cho người ra Phú Xuân đòi đình chỉ việc Bắc
tiến thì Huệ đã ra tới Thăng Long và đã hạ được hết thảy lực lượng của Bắc
Hà. Nhạc đành sửa soạn lên đường, biết rằng cử người ra gọi Huệ cũng
không được. Tháng 8 năm Bính Ngọ, với 500 thân binh và 100 con voi,
Nhạc lật đật ra Thăng Long tuyên bố đi tiếp ứng cho Nguyễn Huệ để tránh
mọi điều dị nghị.