Bây giờ giữa Huệ và Nhạc không khí đang nặng nề. Người ta ngại nội
tình bất ổn này lọt vào mắt của phái bộ Bắc Hà, rồi Bắc Bình Vương đưa
trăm lạng bạc nói là của Công chúa (Ngọc Hân) gửi tặng sứ bộ. Đô đốc Vũ
Văn Nguyệt được lệnh tiễn đưa sứ bộ về Bắc bằng đường biển cùng 20 kẻ
tùy tùng đến cửa bể Đan Nhai, Nguyệt ngầm sai đục thuyền, cả phái đoàn
đều bị chết chìm cả. Hôm ấy là ngày 11 tháng 4 năm Đinh Mùi.
6 – Chim Bằng Gãy Cánh (Quân Tây Sơn Ra Bắc Lần Thứ Hai)
Giữa lúc Nguyễn Hữu Chỉnh đang sống những giờ phút vinh quang nhất
thì Vũ Văn Nhậm theo kế hoạch của Bắc Bình Vương liền viết thư ra hỏi
tội thông đồng với Nguyễn Hữu Duệ. Bấy giờ Chỉnh đã hiểu rõ Nghệ An
đổi chủ rồi và cũng biết sức mình còn kém Tây Sơn, vội viết thư cho Vũ
Văn Nhậm để giải thích thái độ của mình, đại ý nói mình vẫn trung thành
với Bắc Bình Vương vì bị kẻ yêu người ghét nên có nhiều điều phao vu oan
uổng.
Được thư Chỉnh, Nhậm cũng hồi âm an ủi Chỉnh và khuyên Chỉnh nên
dẹp nốt Nhưỡng rồi về Nam để tỏ lòng ngay thẳng.
Sau này Huệ và Nhạc giảng hòa với nhau, Bắc Bình Vương trong một
hội nghị quân sự tại Quảng Nam đã nêu ra vấn đề Nguyễn Hữu Chỉnh.
Bắc Bình Vương cáo tội Chỉnh ôm chân vua Lê như họ Trịnh xưa kia,
rồi truyền lệnh cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Luân ra Nghệ An họp bàn với
Vũ Văn Nhậm để mở cuộc Bắc phạt. Nhưng trước khi hai tướng trên đây
lên đường, Bắc Bình Vương đã ra lệnh riêng với Sở rằng Vũ Văn Nhậm là
một tướng tài nhưng cũng không đáng tin, phải canh chừng[14]. Tháng 11
năm Đinh Mùi, đoàn quân bách chiến của Tây Sơn đã ra tới Thanh Hóa.
Ngựa trạm chạy rầm rập trên đường báo tin về Thăng Long. Quang cảnh
nhân dân chạy loạn, già trẻ, lớn bé bồng bế nhau nheo nhóc lại tái diễn
trong làn không khí đầy lo âu gần như nghẹt thở ngày nào.