Vauban (như thành Strasbourg của Pháp) có 24 pháo đài (mỗi pháo đài có
26 khẩu đại bác từ 18 đến 68 livres), do chính sở đúc của nhà vua làm ra.
Thành cao chừng 4 thước tây có những cổng đá cao tới 60 thước Anh
(peds) toàn bằng đá phiến rất lớn và dày dặn, nóc cổng cao tới 8 thước. Đây
là một công trình kiến trúc vĩ đại và kiên cố rất đáng khen ngợi nếu đem so
sánh với những thành lũy ở cửa Hội An hay Nha Trang.
6 – Việc Học Hành Và Luật Pháp
Vua Thế Tổ cũng tôn trọng Nho học, biết rằng việc trị dân cần phải có
nhân tài nên cho lập nhà Văn Miếu ở các doanh, các trấn thờ đức Khổng tử.
Ngài lập Quốc Tử Giám (1803) ở Kinh Đô để dạy cho các quan và các sĩ tử,
mở khoa thi Hương lấy các người có học, có hạnh ra làm quan. Cũng trong
năm này, Ngài cho ban hành hai đạo dụ về việc mở các trường ở các tỉnh,
ấn định nhân viên giáo giới và chương trình học chế cùng tái lập các khoa
thi ở các trấn. Ở mỗi trấn có một quan Đốc Học, một phó Đốc Học hay Trợ
Giáo. Cứ tháng 10 hàng năm triều đình mở một kỳ thi.
Binh bộ thượng thư Lê Quang Định đã được phụ trách làm một cuốn
Địa dư tức là cuốn Nhất Thống Địa Dư Chí biên soạn từ năm 1806 đến năm
1811. Vua Thế Tổ còn ra lệnh sưu tầm các sách sử ký liên hệ đến Lê triều
và nhà Tây Sơn, kêu gọi dân chúng xuất trình các tài liệu bấy lâu thất tán vì
ly loạn đem nộp cho các quan tỉnh lấy thưởng. Cũng năm này một số giáo
viên được mời về kinh đô để chép sử. Năm 1818 Mạc Công Du là con cháu
Mạc Cửu được lệnh sưu tầm các tài liệu về lịch sử đất Hà Tiên.
Về luật pháp, vua Thế Tổ đặt Nguyễn Văn Thành vào chức Tổng Tài để
soạn một bộ luật mới. Nguyễn Văn Thành đã mang bộ luật của nhà Thanh
ra chép lại gần trọn nguyên văn nên khi áp dụng bộ luật này đã có nhiều
điều quá khe khắt. Xin nhắc rằng bộ luật của Thanh triều cay nghiệt là bởi
vua quan nhà Thanh là người Mãn vào thống trị Hoa tộc tất nhiên nó không
có thể có những điểm khoan hòa của bộ luật Hồng Đức.