Cuộc xô xát của hai quân rất là kịch liệt. Pháp mất 300 quân nhưng ta
bại, phải rút ra ngoài các vùng đồng ruộng. Họ tung ta một đạo quân lưu
động đuổi quân ta tới Trảng Bàng. Pháp thuyền La Dragonne của họ tiến
vào Tây Ninh. Sử gia Pháp P. Cultru cho rằng: “Nếu muốn, chắc chắn Liên
quân bấy giờ có thể lấy được cả lục tỉnh Nam Việt thuở ấy…”
Sau cuộc đại thắng này, Charner cử trung úy Lespès sang Cao Miên nói
cho vua xứ Chùa Tháp hay rằng nước Pháp đã chiếm Nam Kỳ làm thuộc
địa và muốn có tình hòa hảo với vương quốc Miên.
Vua Miên gửi một sứ bộ sang chúc mừng Liên quân thắng trận. Đây là
lần đầu có cuộc ngoại giao giữa Pháp và Cao Miên.
Rồi Charner xua quân tiến đánh Mỹ Tho. Quân Nam phục kích Liên
quân ở nhiều nơi. Charner phải cho đi nghiên cứu các sông ngòi, từ ngày 1
đến 3-4-1861 thiếu ta Bourdais tấn công Mỹ Tho, phá được nhiều đồn ải
nhưng rồi viên tướng này bị bắn chết trên pháo hạm số 18. Đại úy Quilo lên
thay và ngày 12-4 đến được Mỹ Tho.
Quân ta lúc này rút cả về phía bắc Biên Hòa. Bấy giờ Nguyễn Bá Nghi
được thay kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương bị thương tại đồn Kỳ Hòa (tức
Chí Hòa) phải ra Phan Rí dưỡng bệnh. Lúc Mỹ tho bị chiếm thì Nguyễn Bá
Nghi đến Biên Hòa với sứ mạng tiếp tục công cuộc chống Pháp. Thấy quân
mình quá sút kém mà quân Pháp lại hùng dũng, có nhiều tàu và súng đồng
lợi hại rõ rệt, Nghi liền gửi thư xin giải hòa với đô đốc Charner (không sách
nào nói rõ việc nghị hòa này là do mệnh lệnh của ai). Charner nhận lời và
đưa ra 12 điều kiện (xem Nam Bộ Chiến Sử, trang 93-94).
Rồi từ vua đến triều thần, hết thảy không tán thành yêu sách của Pháp.
Dĩ nhiên đôi bên lại tiếp tục đối phó với nhau bằng súng đạn.
Pháp liền thiết lập các cơ quan hành chính, buổi đầu do những người
Pháp đảm nhiệm, nhưng sau cũng phải dùng người Việt làm các chức phủ,