phó với người Pháp, vì biết rằng họ còn đi xa hơn nữa. Tổng đốc Vĩnh
Long Trương Văn Uyển có tờ mật trình người Pháp có thể tiến binh đánh
Vĩnh Long, và tương lai của An Giang, Hà Tiên rất là bấp bênh. Bấy giờ là
năm 1866, tức là năm Tự Đức 19, đô đốc De la Grandière vừa ở Pháp trở
qua, liền phái trung úy hải quân Paulin Vial đến Huế xin sửa lại Hòa Ước
1862 và chiếm lãnh nốt ba tỉnh miền Tây, lấy cớ là miền này rối loạn và
quan quân của ta không giữ nổi trật tự.
Triều đình Huế yêu cầu súy phủ Sài Gòn chờ đợi đại diện của mình vào
thương lượng. De la Grandière thuận theo thì vài tuần sau cụ Phan Thanh
Giản đến. Theo P. Cultru, tác giả Histoire de la Cochinchine francaise des
(origine à 1883) cụ Phan chỉ nói đến chuyện Pu Cam Bo đang hoạt động ở
Hà Tiên không có dính líu đến các quan lại Việt Nam ở Vĩnh Long như để
kéo dài và khỏi phải giải quyết việc ba tỉnh miền Tây và điều này sẽ làm
cho người Pháp quên đi hay chán nản.
Tháng 2, vào ngày 14 năm 1867 De La Grandière cho trung úy Monet
de la Marek ra Huế đòi tiền bồi thường chiến tranh chưa được triều đình ta
thanh toán đúng kỳ hẹn. Quan lại của ta từ chối và tuyên bố rõ cả việc
không chịu nhượng ba tỉnh miền Tây.
Theo Nam Bộ Chiến Sử trang 161 của Nguyễn Bảo Hóa, bấy giờ tại
Pháp đình Nã Phá Luân đệ tam thấy trong các triều thân phái thì chủ hòa,
phái thì chủ chiến, lấy làm hoang mang về vấn đề Việt Nam nên đầu năm
1867 nhà vua phái trung tương De Varannes sang Nam Kỳ điều tra tình
hình. Rồi phái đoàn De Varannes về Pháp, sau đó có lệnh xâm lăng ba tỉnh
thuộc vùng Hậu Giang của chúng ta.
Lúc này De La Grandière đã sửa soạn xong chiến sự miền Tây (sắp đặt
lệnh hành quân, việc bố phòng các vị trí hiện hữu, tuyển mộ người cho bộ
máy hành chính mới, lấy lính bản xứ để đưa các vùng sắp chiếm đóng…)