Ngày 17 và 18-6 quân Pháp lên đường gồm 1.000 người Âu Châu và
4.000 lính tập. Ngày 20 De La Grandière có mặt trong trận đánh Vĩnh
Long[2]. Hạm đội của Pháp gồm có các pháo thuyền “Mitraille, Bourdais,
Alom Frah, Espignole, Glaive, Fanconneau, Hallebarde, Arc” và một đoàn
tàu vận tải.
Nhờ có sa mù của buổi sớm mai, đoàn tàu chiến của Pháp tiến đến đậu
trước thành Vĩnh Long mà bên ta không hay chi hết. Rồi họ đổ bộ, binh sĩ
chĩa súng vào thành. Quá bảy giờ sáng thành bị vây hoàn toàn, ta mới biết!
Bộ tham mưu Pháp phái Legrand de la Liraye đem một tối hậu thư vào
thành buộc quan ta phải nhượng Vĩnh Long, An Giang (Châu Đốc) và Hà
Tiên. Quá hai giờ sau Pháp sẽ công phá thành.
Cụ Phan cùng án sát Võ Doãn Thanh hết sức lúng túng, xin hội kiến với
De La Grandière và xin khoan hạn để hỏi ý kiến triều đình vì biết rằng
không thể đối phó nổi bằng quân sự với Pháp.
Nhưng cuộc hội kiến vô kết quả. Hai người trở ra về thì thành đã bị mất.
Hôm ấy là ngày 20-6-1867. Giữa lúc tuyệt vọng này, vị kinh lược sứ ba tỉnh
miền Tây lại được tin báo: An Giang và Hà Tiên cũng vừa đổi chủ.
Cụ Phan bắt đầu tuyệt thực. Cụ khuên các con đừng hợp tác với Pháp và
mai tang mình ở quê nhà là làng Bảo Thạnh (Bến Tre). Sau 7 ngày cụ vẫn
chưa chết, phải uống thuốc độc mới mất. Trước khi đặt chén vào môi, cụ
mặc triều phục day mặt về phương Bắc lạy vọng lạy. Ngày tuẫn tiết của cụ
là ngày 7-8-1867. Cụ thọ đúng 71 tuổi. Vua Tự Đức hay tin, rất giận về việc
thất thủ miền Tây, liền cho lột hết chức tước của cụ và đục bỏ tên cụ ở bia
tiến sĩ.
7- Những cuộc kháng Pháp ở Nam Kỳ
Giữa khi tình thế Nam Kỳ nghiên ngửa trước những cuộc xâm lăng như
vũ bão của quân Pháp, mặc dầu điều kiện chiến đấu rất eo hẹp, hoàn cảnh