trang sức và cũng thích duy tân, rất được lòng người Pháp. Đình thần bấy
giờ có Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình đang ở Bắc được Pháp gọi về giúp
vua mới cùng với Nguyễn Văn Tường. Ít ngày sau, Nguyễn Hữu Độ không
hợp ý với Nguyễn Văn Tường nên lại trở ra Hà Nội.
Giữa hôm vua Đồng Khánh bước lên ngai vàng thì Tôn Thất Thuyết
tung ra bài hịch Cần Vương.
Bài hịch này hẳn là của Tôn Thất Thuyết lấy lời của vua Hàm Nghi kể
nông nổi của nước Việt Nam từ ngày người Pháp bước chân lên đất Nam
Kỳ cho đến khi họ tràn lan ra Trung, Bắc, bày mưu lập kế dùng bạo lực đặt
nền thống trị lên toàn cõi Việt Nam. Họ chiếm nước là đã làm một chuyện
khiến quân dân Việt Nam đau đớn lại còn sỉ nhục triều đình cùng sĩ phu đất
Việt nữa. Nhà vua thống trách Nguyễn văn Tường chạy theo kẻ địch, lại tập
tâm tìm bắt nhà vua để nộp cho Pháp.
Ngài kể lại nỗi khổ sở từ khi rời bỏ kinh thành, lặn suối trèo non và Ngài
hiệu triệu thần dân trong nước, muôn người như một hãy đồng tâm gắng
sức giải phóng quốc gia, nêu cao tinh thần kháng chiến.
Lời lẽ tờ hịch hết sức lâm ly thấm thiết, nên có nhiều nhân sĩ hồi ấy đọc
đến phải nghẹn ngào sa lệ, vỗ gươm đứng dậy. Kết quả là những cuộc khởi
nghĩa đã nổi lên ầm ầm như phong ba bão táp.
Lê Trung Đỉnh ở Quảng Nghĩa
Mai Xuân Thưởng ở Bình Định
Nguyễn Huệ ở Quảng Nam
Đề đốc Lê Trực ở sông Gianh (Quảng Bình)
Phan Đình Phùng ở Nghệ Tỉnh