ngòi bút lông không chống nổi đại bác và cơ giới Tây phương liền thay đổi
chiến lược.
Lớp người của tự Đức, Hàm Nghi ngã gục hết, lớp trẻ tuổi lên thay bấy
giờ có các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Tăng
Bạt Hổ[5]… Các cụ đã học được nhiều sách khảo luận và phiên dịch về
chính trị của Âu Châu qua phái nhà nho tân tiến của Trung Quốc là Lương
Khải Siêu, Khang Hữu Vi nên đã nhận xét được nhiều tư tưởng tiến bộ và
cap đẹp của các nhà cách mạng Âu Châu (Rousseau, Montesquieu…) ngoài
ra cuộc Duy Tân tự cường của Minh Trị Thiên Hoàng và trí thức Nhật bản
cuối thế kỷ XIX cũng kích thích tâm hồn các cụ rất mạnh. Rồi ở giữa đám
thanh niên hầu như lạc lõng bơ vơ sau một giấc mơ dữ dội của thời đại có
một chuyển hướng: bỏ chủ trương dùng bạo lực chống Pháp, xuất dương
cầu học và bí mật vận động các phong trào ái quốc. Trong quốc nội, đả kích
kịch liệt cái học từ chương khoa cử, cái học “đi làm ông Phán” để “tối rượu
sâm banh, sáng sữa bò” mà nhà nho đất Vị Hoàng đã mỉa mai trong lời thơ
đầy cảm khái[6].
Khoảng năm 1904-1905 cụ Sào Nam Phan Bội Châu họp các đồng chí ở
sơn trang Nam Thịnh tại Quảng Nam lập ra “Việt Nam Quang Phục Hội”
rồi cùng Tăng Bạt Hổ bí mật đi Nhật, giao thiệp với chính giới Nhật đem cụ
Cường Để và một số thanh niên sang Đông Kinh. Các thanh niên này đều
thụ huấn ở Trấn Võ học hiệu là một trường quân sự lớn nhất của Phù Tang
thuở ấy tại Đông Kinh. Nhưng nơi cầu học và hoạt động cách mạng nhiều
hơn cả vẫn là đất Tàu do đó nhiều thanh niên của ta đã có mặt ở các trường
Hoàng Phố, Bảo Định và các Lục quân học hiệu ở Bắc Kinh. Các cụ hy
vọng nhờ các học hiệu của Nhật và Tàu tạo nên một số cán bộ để tranh thủ
độc lập và xây dựng những cơ sở mới cho quốc gia sau này. Phong trào xuất
dương du học ngày nay được gọi là phong trào Đông Du. Còn ở trong nước,
một số nhà cách mạng khác là Lương Ngọc Can, Đào Nguyên Phổ, Dương
Bá Trạc, Nguyễn Quyền…gây nên phong trào “Đông Kinh Nghĩa Thục”.
Thực ra Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường tư mà các vị tiền bối của