Thật lạ lùng, Bill biết rõ về cô gái hệt như chuyện của mình. Bill
kể: “Ana lớn lên trong một nhà thờ ở miền Trung Việt Nam lúc mới ba
tháng tuổi. Khi biến cố 1975 xảy ra, Ana được một Sơ người Mỹ dắt
theo lên máy bay, di tản khỏi Việt Nam. Lúc ấy con bé mới hai tuổi.
Con bé không còn nhớ chút gì về nơi sinh ra mình. Mọi chuyện đều do
bà Sơ già, người nuôi em từ bé kể lại. Khi sang tới bên này, Ana được
một cặp vợ chồng không con cái ở Chicago này nhận nuôi. Khi con bé
vào đại học thì cha mẹ nuôi cũng qua đời vì già yếu. Bây giờ nó sống
một mình, chỉ làm thêm ở đây mấy ngày cuối tuần. Con bé đang học
năm thứ hai đại học và muốn trở thành y sĩ...”
Càng ngày, tôi càng thân với Bill. Chúng tôi xem nhau là bạn, mặc
dù về tuổi tác, số tuổi của tôi chỉ bằng một nửa của anh. Bill đã giúp tôi
hiểu hơn về con người và lối sống Mỹ. Lúc đầu làm quen, tôi chỉ muốn
qua anh, học thêm tiếng Anh. Đặc biệt là về cách phát âm. Bill rất rành
thổ ngữ và tiếng lóng vùng Trung Tây. Anh sử dụng ngôn ngữ đời
thường, bộc trực không chút kiểu cách. Thú thật, tôi đã ảnh hưởng
không ít lối dùng từ của anh. Đằng sau cái vẻ bụi bặm phớt đời đến cô
độc của mình, từ trong sâu thẳm, Bill lại là con người đa cảm và sầu
muộn. Một tâm sự trầm uất đến u uẩn.
Bill đang thất nghiệp. Còn tôi là dân tị nạn mới đến Mỹ được vài
tháng, đang lãnh trợ cấp để theo học các lớp tiếng Anh miễn phí tại
Harry S. Truman College. Tôi thấy Bill không bận tâm lắm về chuyện
tìm việc làm. Chúng tôi rảnh rỗi phần lớn thời gian trong ngày. Anh
thường chở tôi trên chiếc xe Buick cũ kỹ của mình, đi mọi nơi trong
thành phố. Anh bảo tôi:
“Mày đừng có suốt ngày chúi mũi vào mấy trang sách. Chữ nghĩa
là thứ dễ làm con người ta trở nên hoang tưởng. Phải bước ra thực tế.
Phải lăn mình vào đời sống hiện tại!”
Trong các món ăn Việt Nam, Bill thích phở và bánh xèo. Anh xơi
được cả nước mắm. Anh biết được vài bài hát của Trịnh Công Sơn.
Chúng tôi hay ăn uống, mua sắm ở khu chợ Việt Nam vào những ngày
cuối tuần hoặc các dịp lễ hội.