tôi làm nội trợ, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ quần áo,
và hàng trăm thứ việc không tên khác... Bà lại nghiện rượu nặng. Bà có
tật xấu là cứ rượu vào thì lời ra. Suốt ngày bà càu nhàu luôn miệng.
Nói chán bà lại lăn ra ngủ. Cha tôi làm việc quần quật cho tới lúc chết
nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khá lên được. Ông chết vì tai nạn
xe hơi vào một buổi sáng khi đang trên đường đến chỗ làm. Cảnh sát
nghi ngờ ông ngủ gật trong lúc lái xe. Lúc ấy, tôi mới vừa xong trung
học. Mẹ tôi cũng bỏ theo ông sáu tháng sau đó. Bà chết vì chứng xơ
gan. Đó là kết quả của những tháng ngày bà trầm mình trong rượu.
Còn lại một mình, sẵn máu phiêu bạt, tôi đăng ký vào lính. Cuộc đời tôi
bắt đầu rẽ sang một lối khác...”
“Thời gian đó, Mỹ đã lún sâu vào cuộc chiến ở Đông Dương.
Năm 1970, tôi được đưa sang Việt Nam. Tôi làm việc ở bộ phận tải
thương. Thực tế, đó là công việc nhặt xác chết. Chiến tranh tàn khốc
hơn tôi tưởng...”
“Tiểu đội của tôi bị điều đi Đà Nẵng vào mùa xuân 1972. Chiến sự
càng lúc càng trở nên ác liệt. Cái xứ sở nhiệt đới này càng ngày càng
làm tôi ớn đến tận cổ. Ý nghĩ một ngày nào đó mình sẽ nằm ngay đơ
trong quan tài khiến tôi muốn phát rồ...”
“Tôi gặp Lan trong một dịp đi phố. Lan bán nước giải khát ở gần
sân bay. Cô sống với người mẹ mù lòa. Tôi thích Lan từ cái nhìn đầu
tiên. Ánh mắt cô ấy toát lên vẻ bao dung và chịu đựng đến nao lòng.
Lan nói tiếng Anh rất kém, còn tôi cũng chỉ bập bõm được vài câu tiếng
Việt. Chúng tôi giao tiếp nhau quanh quẩn trong vốn từ vựng nghèo
nàn của mình. Thật ra trong tình yêu, mọi lời nói đều vô nghĩa...”
“Tôi về nước vào tháng 3 năm 1973, sau Hiệp định Paris hai
tháng. Cảm ơn Chúa! Tôi vẫn còn lành lặn. Tôi muốn đưa Lan theo
nhưng cô ấy không đồng ý. Cô ấy không thể bỏ lại mẹ của mình, hơn
nữa cái thai trong bụng Lan cũng đã lớn lắm...”
“Năm sau, tôi quyết định quay lại Việt Nam tìm Lan. Hiệp định
Paris chỉ khoác lên bộ mặt của cuộc chiến tranh một nền hòa bình giả