Bà mặc tã cho Tú, đặt nó vào xe, đẩy nó đi chơi. Thật ra nó không
cần mặc tã, nhưng cô con dâu không muốn làm phiền bà:
- Con cứ mặc tã, mắc đái thì đái trong tã. Bà nội lau và vất tã đi là
xong. Bà nội khỏi tìm cầu tiêu cho con. Với lại cầu tiêu ở công viên dơ
lắm.
Tú gật đầu dù không thích mặc tã. Ở công viên, mỗi khi đái, nó
vào bụi rậm vén tã lên như vén quần. Nó muốn làm người lớn. Bà cũng
muốn vậy. Mỗi lần vất cái tã bà tiếc quá, nhiều lần định giặt để xài lại.
Còn xe, Tú cũng không cần lắm, thường chỉ để chứa đồ chơi, đồ ăn
v.v... Khi mỏi chân Tú mới ngồi xe.
Con đường trước nhà đầy rác, thỉnh thoảng có những dĩa đồ ăn
bày cúng dưới đất, bốc mùi hôi, ruồi nhặng bay vo vo chung quanh. Bà
đẩy nhanh xe, tránh những chỗ ấy. Đây là khu người Tàu. Phần nhiều
cư dân đến từ Trung Hoa Đại Lục. Người Tàu Hồng Kông ở đây gọi họ
là bọn Đại Lục. Gặp bà họ đưa mắt nhìn như muốn tìm hiểu bà ở tỉnh
nào trên đất nước mênh mông của họ, mà có cái nón lá đẹp đội trên đầu
như vậy. Bà Phùng đi đâu cũng đội nón, không phải bà sợ nắng ăn da
mặt, mà sợ chói mắt. Quen rồi, không nắng bà cũng đội nón. Có nhiều
người gặp bà, xổ ra một tràng tiếng mà bà đoán là tiếng Tàu. Bà không
hiểu gì cả, nên chỉ “Gút-mo-nin”, dù sáng hay chiều. Ở đây chỉ có một
gia đình Việt Nam duy nhất, gia đình ông Tâm. Ông gọi đùa bà Phùng
là Mẹ Việt Nam vì bà là người đàn bà Việt Nam lớn tuổi nhất ở đây.
Bà Phùng đẩy xe chở Tú về phía đường Alpine để ra công viên,
ngang qua một ngôi nhà lớn, nhưng phía trước phơi đầy quần áo. Trên
khung cửa ra vào dán những lá bùa màu đỏ, màu vàng. Mấy người Mễ
đi ngang qua đây, nhìn ngôi nhà này một cách e dè. Đi khỏi “căn nhà có
dán bùa”, quẹo trái qua đường Alpine xuống một cái dốc, bà ngạc
nhiên thấy một ông đầu tóc bạc phơ, đang túm áo một thằng bé chừng 7
tuổi lôi đi. Bà định dừng lại xem thì Tú reo lên:
- Gần tới rồi nội ơi!