chắn rằng: con cái họ chẳng có một cố gắng nào trong lớp học. Tôi liên
tưởng đến hình ảnh một người đàn bà Việt Nam nhỏ bé, nói tiếng Anh
bằng những âm sắc nặng nề, người đàn bà đó đã không bao giờ từ chối
những lời mời của nhà trường để tham dự những buổi họp mặt với thầy
cô. Người đàn bà di dân đã có nhiệt tình đem những kiến thức ít ỏi của
mình để truyền đạt cho con cái. Người đàn bà đó bằng số vốn liếng
Anh ngữ nghèo nàn cũng biết bắt tay và nói lời “cảm ơn” với thầy cô
của con trai mình. Người đàn bà đó là mẹ tôi. Ngôn ngữ, kiến thức là
một điều vô cùng cần thiết nhưng có đôi lúc bằng chính con tim và tấm
lòng người ta vẫn có thể đến với nhau một cách dễ dàng nhất, có phải
thế không?
Một lần dự buổi họp của những thầy giáo mới vào nghề, tôi gặp
Coffy, người thanh niên đến nước Mỹ từ Ethiopia. Anh ta dạy tiếng
Pháp và Tây Ban Nha. Đó là một người da đen thật lớn con với hai con
mắt to, hiền lành và cái đầu nhẵn bóng, anh ta lớn hơn tôi vài tuổi. Gặp
lại tôi Coffy không giấu được sự vui mừng, anh hỏi tôi về những hoạt
động, công việc, học trò ở trường tôi đang dạy và hỏi về mẹ tôi:
- Mẹ bạn có khỏe không, nhớ cho tôi gởi lời thăm và cảm ơn một
lần nữa về những gì bà đã giúp tôi. Tôi sẽ đến thăm mẹ bạn trong ngày
lễ Thanksgiving.
Tôi quen Coffy trước đó vài tháng. Coffy đến thành phố này để
tham dự một chương trình huấn nghiệp, từ một tiểu bang miền Bắc nơi
anh ta đã sống hơn mười năm. Ban đầu Coffy sống chung với một
người bạn trong khu cư xá của trường đại học, nhưng khi người bạn trở
về Phi Châu thì anh không có chỗ ở nên phải mướn tạm khách sạn chờ
ngày nhận nhiệm sở mới. Trong những ngày thụ huấn tôi quen Coffy và
hiểu những khó khăn về tiền bạc của anh ta, Coffy cần chỗ tá túc
khoảng ba tuần trước khi mướn một căn nhà khác vì tiền trả cho khách
sạn quá đắt. Tôi đề nghị anh ta về nhà tôi ở tạm vài tuần, anh rất vui
mừng nhưng e ngại gia đình tôi không bằng lòng. Tôi nói chuyện với
mẹ và bà nhận lời. Khi chị Khánh Phương có vẻ phản đối thì mẹ nói: