Ngày mở hội, trên khắp ngả phố tràn ngập không khí thuận hòa.
Những người dù là có thù “bất cộng đái thiên” với nhau trước đây đi nữa,
lúc này cũng quên hết cãi cọ, cùng nhau nghe giảng kinh, làm dấu một cách
thành kính và tát những cái nên thân vào mặt bọn trẻ hỗn xược nào dám
đến cãi cọ trước nhà thờ.
Ngày thứ hai, bắt đầu là bọn lau nhau đấm đá. Bọn anh của chúng xen
dần vào cuộc. Rồi đến các bậc bố, bậc ông hầm hè rấp nước bọt tay nhổ cả
cọc hàng rào xông ra. Thế là đến cuộc hỗn chiến thật sự, bằng dao găm, búa
và gậy gộc. Anh cảnh vệ độc nhất của địa phương không lạ gì phong tục
đó, nên vừa bảnh mắt, anh ta liền đi lánh mặt vào một nơi kín đáo, nán
công chờ cho đến đêm, khi tiếng kêu và tiếng rên đã bặt, anh mới thò ra.
Ngày thứ ba, bao nhiêu sự tranh chấp ấy lại quên đi, cả làng Xê-li-a-
nít-xi lại cùng nhau kéo ra đồng, ở đấy dân làng Bô-rô-vít-xi lân cận đã
đứng sẵn. Cuộc hỗn chiến mới này lại diễn ra dưới một quy mô khác. Vấn
đề trọng đại ở đây là phải làm sao đừng để chân mình bị mất thế đứng,
đừng lẩn trốn. Vì rằng bọn đào ngũ đó người ta xử ngay không thương tiếc.
Từ đó cho đến hết năm làng Xê-li-a-nít-xi lại trở nên yên tĩnh và tươi
vui. Những ai bị thương thì đi chạy chữa. Bọn người bị hy sinh thì cả mẹ,
vợ góa hoặc vị hôn thê cứ việc mà ròng rã sướt mướt. Nhưng làng đây là
một làng quá lớn nên những sự thiệt hại như vậy cũng chẳng thấm vào đâu.
Và cứ như thế, cuộc đời trôi đi lặng lẽ như thường lệ.
Từ đó, đã có bao nhiêu sự đổi thay. Công tác quân sự đã rèn giũa và
văn minh hóa bọn thanh niên. Họ không còn tin ở chúa nữa, và do đó ngày
“Ngày Đức Chúa” họ vẫn làm việc như thường. Từ ngày có phong trào hợp
tác hóa, ngày hội với những sự chém giết nhau đó đã bị xếp xó thành câu
chuyện cổ. Bây giờ những “kẻ thù” đã cùng làm với nhau một kíp, và các
nông trường đang sôi nổi thi đua. Chả lẽ lúc này còn bày chuyện chém giết