hai tiếng “bán bò”.
Trước con mắt nhà bác vật, bò là một giống nhai lại, đối với du khách đó là
con vật tô điểm cho phong cảnh nên thơ mỗi khi nó nghếch cái mõm đẫm
sương trên đám cỏ, với trẻ con ở tỉnh, bò là nguồn cà phê sữa, bánh pho-
mát kem. Nhưng đối với dân quê, còn có những điều hơn thế. Nhà dù
nghèo đến thế nào, đông đến thế nào, nếu trong chuồng có được một con bò
cái thì nhất định không phải nhịn đói.
Với một cái dây thừng để dài hay quấn gọn trên sừng, một đứa trẻ có thể
chăn nó trên những con đường đầy cỏ xanh non, không phải mất tiền mua.
Rồi chiều đến, cả gia đình có đủ bơ để ăn súp, đủ sữa để dầm khoai. Cha,
mẹ, con cái, người lớn cũng như trẻ con, mọi người đều sống về con bò.
Mẹ tôi và tôi, chúng tôi cũng sống, sống rất no đủ về con bò của chúng tôi,
ngoài sữa ra không hề cần đến thịt thà. Con bò cái đó không những là vú
nuôi của chúng tôi, nó lại còn là một người bạn thân nữa. Ta chớ tưởng con
bò là một con vật không biết gì, trái lại, nó là một giống rất thông minh và
có nhiều đức tính ngày đêm nảy nở do sự huấn luyện mà ra. Chúng tôi vuốt
ve nó, chúng tôi nói chuyện với nó, nó hiểu chúng tôi. Với nó, bằng đôi mắt
dịu hiền, nó có thể tỏ cho chúng tôi biết ý muốn hoặc sự cảm biết của nó.
Nói tóm lại, chúng tôi yêu nó và nó cũng mến chúng tôi.
Thế mà nó và chúng tôi phải lìa nhau, lìa nhau vì phải bán nó mới hài lòng
ông Liên.
Hôm sau, một người lái đến. Sau khi ngắm nghía con Hồng-Ti rồi vừa sờ
nắn, vừa lắc đầu sau khi nói đi nhắc lại đến trăm lần là con bò này chẳng
vừa ý ông ta chút nào, bò nhà nghèo, khó bán lại, ít sữa mà sữa lại xấu. Sau
cùng, ông ta cũng cố gắng mua, cốt để tỏ lòng tốt và để giúp đỡ bà Liên là
một người đàn bà đảm đang.
Con Hồng-Ti khốn khổ kia, hình như nó cũng biết câu chuyện vừa diễn ra
nên nó không chịu ra khỏi chuồng và kêu rống lên.
Người lái tháo cái roi vẫn quàng ở cổ, đưa cho tôi và bảo:
- Em vào phía sau đánh cho nó ra.
Mẹ tôi bảo:
- Đừng làm thế!