Cái vườn đó, không to lắm, nhưng đối với nhà tôi, rất có giá trị vì chính nó
nuôi chúng tôi, cung cấp cho chúng tôi, trừ lúa mì ra, gần hết các thức ăn
hàng ngày, nào khoai, đậu, nào bắp cải, củ cải trắng, đỏ… Vì thế, không
một tấc đất nào bỏ không. Thế mà mẹ tôi cũng dành cho tôi một mẩu đất
con để trồng những cỏ, những cây, những rêu mà tôi nhặt ở ria rừng hay ở
bờ giậu khi đi chăn bò, về cắm đầy đặc trong mẩu vườn của tôi.
Vườn tôi không phải là một hoa viên với những lối đi rải cát, với những
luống hoa xinh đẹp mà những khách qua đường phải dừng chân bên hàng
giậu xén đều để ghé trông. Nhưng tôi thấy nó đẹp và quý nó vì nó là của
tôi, của riêng tôi.
Mùa hè trước, tôi kiếm được ít hạt giống về trồng. Tính đến mùa xuân tới
thì mới nở hoa. Nhưng đó là những giống hoa sớm nên không đợi hết mùa
đông nó đã lần lượt khai hoa.
Tính tò mò tôi lúc này càng thấy chấn động. Cây trường thọ đã có nụ vàng.
Cây đinh hương đã đâm mấy cành chi chít những điểm tim tím. Và trong
đám lá dăn-gợn của cây ngọc-trâm-hoa trổ lên mấy búp như sắp nở tung ra.
Tôi thích thú vô cùng.
Nhưng còn một khoảng vườn mà tôi lưu tâm nhất là chỗ tôi đã trồng một
thứ cây lạ, không có ở vùng này mà người ta đã cho tôi, đó là cây cúc-vu.
Người ta đã bảo giống cây này có những củ như khoai tây nhưng thơm
ngon hơn. Những hứa hẹn đó đã nẩy cho tôi một ý kiến là sẽ làm cho mẹ
tôi một bữa phải ngạc nhiên. Vì thế tôi không nói gì cho mẹ tôi biết. Nó có
nảy mầm mọc lá, mẹ tôi sẽ tưởng là một giống hoa. Rồi đến ngày nào đó có
củ, nhằm lúc mẹ tôi vắng nhà, tôi bới lên làm món súp tân kỳ - tôi chưa nấu
súp bao giờ, nhưng chắc cũng dễ - và múc ra đĩa.
Ai sẽ phải ngạc nhiên? – Mẹ tôi.
Ai sẽ được vui sướng? – Mẹ tôi.
Thế là chúng tôi có một món ăn mới thay cho món khoai thường xuyên và
mẹ tôi cũng bớt đau khổ về việc bán con Hồng-Ti.
Người sáng chế ra món ăn đó là tôi, là cu Minh. Như vậy tôi cũng có ích
cho gia đình tôi đấy chứ.
Với dự định lớn lao ấy, ai cũng hiểu rằng tôi chăm chú đến cây cúc-vu biết