Là lần thứ nhất trong đời mà tôi phải đi một mạch dài không nghỉ.
Thầy tôi bước đều chân, cõng con Hảo-Tâm trên vai, hoặc đeo trong đảy.
Mấy con chó chạy lon ton cạnh chủ.
Thỉnh thoảng ông lại nói với con chó một câu thân ái khi tiếng Pháp, khi
bằng thứ tiếng mà tôi không hiểu.
Xem ra chủ cũng không và những con chó cũng không biết nhọc. Riêng tôi,
không thế, tôi thấy lả người. Vì sức đã kiệt, cố theo kịp thầy tôi. Tôi không
dám nghỉ chân.
Thầy tôi nói:
- Những chiếc guốc nó làm cho con khó đi. Đến Ích-Sơn ta sẽ mua giầy cho
con.
Câu đó làm cho tôi phấn khởi.
Thực vậy, xưa nay tôi vẫn mơ ước một đôi giầy. Con ông Xã trưởng và con
người chủ tiệm ăn đều đi giầy cả. Mỗi sáng chủ nhật, khi dự lễ Nhà Thờ,
chúng đi êm ả trên nền gạch, còn tôi và những người nhà quê khác, lê
những đôi guốc to kêu chí chát điếc tai.
- Ích-Sơn còn xa lắm không?
Vỹ-Tiên cười to và nói:
- Đó là tiếng nói của lòng con! Con ơi! Con muốn có giầy lắm phải không!
Ta hứa cho con những đôi giầy đế đinh. Ta cũng hứa sẽ mua cho con một
cái quần nhung, một cái áo vét và một cái mũ. Ta mong những cái đó sẽ an
ủi con để con cố sức mà đi chừng sáu dặm đường nữa.
Đôi giầy đế đinh! Tôi thích quá và nguôi dần nỗi buồn.
Không, chắc chắn thầy tôi không phải là một người độc ác.
Người độc ác thì có bao giờ nhìn thấy đôi guốc của tôi nó làm tôi đau chân?
Đôi giầy, đôi giầy đế đinh! Một quần ngắn bằng nhung! Một áo vét! Một
cái mũ! A! Nếu mẹ tôi được trông thấy tôi ăn mặc tươm như thế, tất lấy làm
hãnh diện lắm.
Khốn nỗi Ích-Sơn còn xa lắm.
Mặc dầu giầy đinh và quần nhung ở cách đây sáu dặm đường mà chúng tôi
còn phải đi, tôi thấy khó lòng đi nổi quãng đường xa đó.
May sao, thời tiết đến giúp tôi.