dại.
- Thế thì buồn quá.
- Không sao vì để làm trò cười thôi. Con hãy tưởng tượng đến một nhà giàu
để hầu hạ thực, và họ sai con dọn bàn ăn chẳng hạn. Kia là cái bàn sẽ dùng
khi diễn trò. Con lại xem và thử đặt bát đĩa.
Trên bàn đó, có mấy cái đĩa, một cái cốc, một con dao, một cái dĩa và một
cái khăn trắng.
- Sẽ phải xếp đặt thế nào nhỉ?
Đứng bên cạnh bàn, tôi tự hỏi thế, mặt thuỗn ra, mồm há hốc, đầu cúi về
đằng trước, hai tay đưa ra, luống cuống không biết phải làm gì trước.
Thầy tôi vỗ tay, cười ngặt ngoẹo:
- Hay! Hay tuyệt! Cách vận dụng dung mạo của con khéo lắm. Thằng bé ta
nuôi trước con làm hỏng vì coi bộ láu lỉnh quá. Con trông khờ khạo, vẻ
ngây thơ của con rất thích hợp.
- Con chẳng hiểu con làm gì.
- Chính điều đó lại là điều cốt yếu. Đến mai, hay trong vài ngày nữa. Con
sẽ hiểu rõ những điều mà con sẽ phải làm. Lúc đó con phải nhớ lại cái điệu
bộ bối rối của con bây giờ và làm như con không biết gì. Nếu con diễn lại
được cái điệu bộ ngây ngô và cái dáng điệu lúng túng đó, con sẽ thành công
to. Vai trò của con là phải diễn tả một người quê mùa, không trông thấy gì
và không biết gì. Anh ta đến nhà một con khỉ, anh tự thấy mình ngu xuẩn
và vụng về hơn con khỉ. Kẻ ngu hơn con khỉ, đó là vai của con. Muốn đóng
cho được hoàn toàn, con chỉ việc giữ dáng điệu của con như ngày hôm nay
là được.
“Người đầy tớ của ngài Hảo-Tâm” không phải là kịch dài, diễn độ 20 phút
là xong. Nhưng chúng tôi phải luyện tập và diễn thử đến ba tiếng đồng hồ.
Vỹ-Tiên bắt tôi và nhất là những con chó làm đi làm lại một việc đến ba
lần, bốn lần, có khi đến mười lần.
Thực vậy, những con chó hay quên một vài phần trong vai của chúng nên
Vỹ-Tiên lại phải bắt đầu và dạy lại.
Lúc đó, tôi nhận thấy thầy chúng tôi là một người rất nhẫn nại và ôn hòa.
Tôi còn nhớ ở làng tôi, người ta đối đãi với súc vật một cách khác hẳn.