ngày. Công chúng không đến nỗi kêu như ở Ca-ô:
- Cứ mãi một trò!
Ở Boóc-Đô được ít lâu, chúng tôi lại phải đi tỉnh Pô. Từ ngoại châu thành
Boóc-Đô đến dẫy núi Py-rê-nê, chúng tôi phải qua một bãi sa mạc người ta
thường gọi là Lăng-Đê.
Tôi tuy không phải là con chuột con nói trong chuyện ngụ ngôn, trông thấy
cái gì cũng lạ, cũng hay và cũng sợ, nhưng trong đoạn đầu cuộc hành trình
trên sa mạc, tôi bị một cái nhầm to khiến thầy tôi cười mãi và chế nhạo mãi
đến tỉnh Pô mới thôi.
Rời Boóc-Đô được 7, 8 ngày, sau khi theo bờ sông Ga-ron đến Lăng-gôn
thì chúng tôi sẽ sang đường đi Mông-mác-săng. Không còn vườn nho,
không còn đồng cỏ, không còn vườn quả nữa. Chỉ thấy toàn rừng thông và
bụi rậm. Nhà dân cư mỗi ngày một thưa, một tồi tàn hơn. Rồi chúng tôi đi
qua một giải đồng không mông quạnh, mặt đất mấp mô và bát ngát đến
chân trời. Không có chỗ nào cày cấy, không có rừng, xa xa toàn đất xám.
Gần chúng tôi, hai bên đường rêu phủ, lác đác có những bụi gai khô và
những cây kim-tước cằn cỗi.
Vỹ-Tiên bảo tôi:
- Chúng ta đang ở bãi Lăng-Đê đây. Còn phải đi trong sa mạc này từ 20 đến
25 dặm nữa. Con phải để hết can đảm vào hai chân con.
Tôi nghĩ không những phải để hết can đảm vào hai chân mà còn phải để
vào óc vào tim nữa vì đi trên con đường hình như vô tận này, tôi cảm thấy
một sự buồn khó thể khua tan được.
Từ thuở đó đến giờ, tôi đã nhiều lần đi biển. Mỗi khi tôi ở giữa biển mà
không trông thấy bóng một cánh buồm nào là lòng tôi lại thấy phảng phất
một mối buồn khôn tả như cái buồn mà tôi cảm thấy trong bãi sa mạc này.
Khác nào như ở trên biển cả, chúng tôi đưa mắt nhìn khắp bốn phương, cho
tới chân trời chìm đắm trong màn sương thu, chẳng thấy gì cả, chỉ thấy màu
đất xám mênh mông, hiu quạnh ở trước mặt chúng tôi.
Chúng tôi cứ tiến. Lắm lúc, ngước mắt nhìn chung quanh, tôi tưởng chừng
như giậm chân nguyên một chỗ, không tiến được bước nào vì cảnh tượng
cứ y nguyên: vẫn bụi gai, vẫn khóm kim-tước, vẫn đám rêu và vẫn những