40
Chúng ta hãy nhớ: khi Irena cùng chồng dừng lại trên bờ dòng sông chảy
qua một thành phố tỉnh lẻ nước Pháp, cô đã nhìn thấy trên bờ bên kia những
cái cây bị đốn và vào lúc ấy một tiếng nhạc không được chờ đợi phát ra từ
một cái loa đã làm cô kinh sợ. Cô vội đưa tay lên bịt tai và òa khóc. Vài
tháng sau, cô ở nhà cùng người chồng đang hấp hối, Từ căn hộ bên cạnh
tiếng nhạc cất lên. Hai lần liền cô bấm chuông cầu xin hàng xóm tắt đài, cả
hai lần đều vô vọng. Cuối cùng, cô gào lên: “Tắt ngay cái thứ kinh tởm đó
đi! Chồng tôi sắp chết! Các người nghe thấy chưa! Sắp chết! Chết!”
Trong những năm đầu tiên sống ở Pháp, cô nghe radio rất nhiều để quen
với ngôn ngữ và cuộc sống Pháp, nhưng sau cái chết của Martin, bởi thứ âm
nhạc mà cô căm ghét, cô không tìm thấy ở đó niềm thích thú nữa; bởi tin
tức không được phát liên tục, như ngày xưa, mà thông tin nào cũng bị chia
cắt với thông tin khác bởi ba, tám, mười lăm giây nhạc, và những quãng
cách nhỏ ấy, từ năm này qua năm khác, ngày càng tăng lên một cách tẻ
nhạt. Bằng cách đó cô đã quen thuộc một cách gần gũi với cái mà
Schönberg gọi là “thứ âm nhạc trở thành tiếng ồn”.
Cô nằm trên giường bên cạnh Gustaf; quá phấn khích với ý nghĩ về cuộc
hẹn, cô sợ mình sẽ không ngủ được; cô đã uống một viên thuốc ngủ, cô
thiếp đi và, tỉnh dậy giữa đêm, cô uống thêm hai viên nữa rồi, vì tuyệt vọng,
vì bồn chồn, cô bật một cái radio nhỏ bên cạnh gối của mình. Để tìm lại
được giấc ngủ cô muốn nghe thấy một giọng nói con người, một lời nói sẽ
chiếm lấy ý nghĩ cô, mang cô đi nơi khác, làm cô bình tĩnh lại và làm cô
ngủ; cô vặn dò sóng từ kênh này sang kênh khác, nhưng đâu đâu cũng chỉ
chảy ra âm nhạc, thứ nước bẩn âm nhạc, những mẩu nhạc rock, nhạc jazz,
nhạc opera, và đó là một thế giới nơi cô không thể trò chuyện với ai bởi vì
tất cả đều hát và gào, đó là một thế giới nơi không ai trò chuyện với cô bởi
vì tất cả đều nhún nhảy.
Một bên là thứ nước bẩn âm nhạc, bên kia là tiếng ngáy, và Irena, bị cầm
tù, muốn có một khoảng không gian tự do xung quanh mình một khoảng