« Mạc-công vốn thọ-bẩm một khối tinh-thành, phụ vào một tâm-hồn
nghệ-sĩ, khác nào một bức danh họa, trước khi được tô-điểm xinh-tươi, đã
chịu một màu trắng tinh làm nền họa : chớ lúc ấy há phải là thời buổi để
ngài nhả ngọc phun châu, dương mây, thổ khí, được tỏ điều đắc chí đâu.
« Chính vì ngài canh cánh nỗi cảm-hoài cố quốc, đô-thành mất tích,
biến thành khuông cảnh « thử ly »
. Ngài tư lương uất-ức : dằn lòng trung
phẫn hư vô, gửi dòng sóng bạc ; mòn mắt tử phần muôn dặm, trông đám
mây ngàn ; nên ngài mượn lối thi thơ để giãi bày tâm-sự, ta há nên bình-nghị
ngài về chỗ vui chơi, nhàn hạ như ai đâu.
« Tôi vào tuổi thành đồng
đã từng thấy :
« Hà-tiên thập cảnh toàn tập
Minh bột di ngư thi thảo
Hà-tiên vịnh vật thi tuyển
Châu-thị trinh liệt tặng ngôn
Thi truyện tặng Lưu tiết-phụ
Thi thảo cách ngôn vị tập ».
« Phàm sáu bộ sách đã xuất-bản lưu hành.
« Gần xa các sĩ-phu đọc từng bài, thưởng-thức và thán phục.
« Dầu ở tận cõi Nam-thùy, Hà-tiên cũng nhờ đó mà trở thành trời Châu,
đất Lỗ, nổi dậy tiếng-tăm.
« Từ Hà-tiên gặp cơn binh-hỏa, bản phiến sách xưa đều bị ngọn lửa
cay-nghiệt cháy thiêu, sách lưu hành cũng vì đó mà lần lần thất lạc.
« Đến lúc ra giúp nước, tôi (Trịnh hoài Đức) cố tìm các sách ấy mà
không được gặp. Thường trằn-trọc thâu đêm, trí mãi vẩn vơ lo nghĩ về việc
sưu-tầm sách mất.
« Tuy-nhiên, nhớ tới Mạc-công có phải chỉ vì một việc văn-chương
phong-nhã đó đâu.
« Toàn thể công-nghiệp lớn-lao của ngài, tài đức cao siêu chói-lọi của
ngài, từ xưa đến nay, công-luận thảy đều xưng-tụng, xét ra thật là chẳng ít.