chưa nhìn thấy chiếc lông chim ấy. Bởi thế mà Ngần vẫn chỉ ru rú ở nhà với
bà. Đám trai làng hầu như chẳng để ý gì tới cô. Nếu có, cũng chỉ là những
câu đùa cho vui mà thôi. Ngay cả khi ở tuổi 17, Ngần vẫn như một cô gái
lên mười.
Đã có một thời gian dài, có lẽ cũng phải đến mười lăm năm, bầy chim
không trở về bãi vải. Vào một đêm trong chiến tranh, đúng cái đêm bầy
chim nghỉ lại bãi vải thì bị bom đánh. Hàng chục quả bom đã ném xuống
bãi vải. Sáng sớm hôm sau, người làng chạy ra bãi vải, một cảnh tượng đau
lòng hiện ra. Bãi vải xơ xác, cây đổ ngổn ngang. Trên mặt đất rụng kín hoa
vải và la liệt xác chim. Người làng nhìn cây đổ, hoa rụng và chim chết mà
nước mắt lưng tròng. Sau đêm ấy, bầy chim di cư không thấy bay về nữa.
Vào những ngày đầu giêng, thỉnh thoảng Ngần tha thẩn dọc bãi vải.
Cũng ở đó Ngần đã gặp Thư. Đó là một buổi chiều cách đây bốn năm. Họ
làm quen nhau và Thư hỏi:
- Cô có biết bầy chim di cư không?
Ngần đã kể cho Thư nghe về bầy chim ấy, cả câu chuyện về con chim
chúa và cái lông chim màu đỏ.
- Cô đã nhặt được chiếc lông chim ấy chưa?
Ngần buột miệng:
- Chưa. Năm nào em cũng tìm.
Nói xong, Ngần đỏ mặt và vội bỏ đi.
Hôm sau, một cán bộ xã đưa Thư đến nhà Ngần. Lúc đó cô mới biết
Thư là người nghiên cứu về những bầy chim di cư. Thư đến để được nghe
bà nội Ngần kể về bầy chim.