Mãi hai hôm sau bà mới có thời gian ngồi nói chuyện với May. Bà hỏi
cô hết sức tỉ mỉ về hoàn cảnh của cô. Cuối cùng bà nói:
- Bây giờ cô giải quyết thế này nhé. Nếu cháu muốn thì cháu ở lại đây
với cô. Bước đầu cháu ở nhà đọc sách, xem báo. Muốn làm gì thì làm. Sau
này cô sẽ tìm cho cháu một việc làm ở huyện. Còn việc tìm mẹ cháu thì
đáng hoan nghênh. Làm con phải giữ chữ "hiếu", nhưng để cô dò hỏi dần
dần, và cả hai cô cháu. Cô sẽ cho người về gia đình mẹ nuôi cháu để hỏi
xem thế nào. Đấy, vấn đề là thế, cháu thấy có được không?
May nấc lên vì xúc động. Cô nhìn bà với ánh mắt đầy biết ơn.
Buổi tối hôm đó từ cơ quan huyện trở về bà nói với cô:
- Cô đã báo cáo lãnh đạo ủy ban về trường hợp cháu. Cô nhận cháu
làm con nuôi. Các anh trong ban thường vụ đồng ý cả... Vì hoàn cảnh cô...
- Cô... Mẹ. Con cám ơn mẹ...
Từ ngày đó cô vui vẻ hẳn lên. Cô cũng ít nghĩ lại những gì đã xảy ra
trong gia đình bà chủ quán. Mà có nghĩ đến cô cũng chỉ thấy thương đứa
con trai tàn tật của bà. Bây giờ hàng ngày cô dậy sớm lo cơm nước cho bà
mẹ nuôi ăn để đi làm sớm. Sau khi bà xách cặp đến cơ quan huyện, cô ở
nhà để giặt giũ, lau chùi bàn ghế, nhà cửa. Tối đến, cô ngủ chung với bà
trên chiếc giường đôi. Bà thường ôm cô vào lòng vuốt ve cô. Cô dụi đầu
vào ngực bà tin cậy và hạnh phúc.
- Ngủ với con như thế này mẹ lại nhớ lại ngày trước - Bà thủ thỉ, giọng
trầm trầm - ngày còn chiến tranh ấy. Đơn vị thanh niên xung phong của mẹ
toàn là con gái. Tất cả sống với nhau mấy năm liền trong những căn hầm ở
Trường Sơn. Mùa rét cứ ôm ghì lấy nhau mà ngủ cho ấm...
Đúng, cái ngày ác liệt và thiếu thốn tưởng không sống nổi. Cái họ
thiếu nhất là giọng nói và bóng dáng của đàn ông. Nhiều lúc buồn quá, họ