- Đừng buồn Phụng. Tôi cũng đau buồn như chính Tổ quốc tôi bị lâm
nạn. Nhưng cô yên tâm. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc trở lại
không lâu - Kenđơ ôm lấy vai tôi, hắn đang an ủi tôi - Đây cũng là dịp mà
tôi có thể mời cô đến thăm nhà tôi. Tôi sẽ đảm bảo mọi yêu cầu của cô ở
Mỹ.
Không như những người di tản khác, tôi được Kenđơ làm cho mọi thủ
tục và ổn định nơi ăn ở. Năm tháng đầu tôi sống ở nhà Kenđơ với bà mẹ
của hắn. Thỉnh thoảng hắn mới về nhà. Tôi sống với bà mẹ Mỹ đã sáu mươi
tuổi. Đó là một bà mẹ phúc hậu. Bà không hề biết con trai bà là một nhân
viên CIA. Bà đinh ninh Kenđơ là một phóng viên.
- Chiến tranh thật đáng nguyền rủa. Tôi không hiểu biết nhiều về Việt
Nam, nhưng tôi phản đối chính phủ Mỹ, vì tôi thấy bao nhiêu chàng trai
Mỹ bị chết, thương tật và điên dại từ cuộc chiến này.
Chiều chiều, tôi và bà đi dạo trên con đường sạch sẽ, yên tĩnh và đầy
cây lá chạy quanh khu nhà bà ở. Tôi nói chuyện với bà về văn hóa và con
người Việt Nam. Đôi lúc bà dừng lại nhìn tôi xúc động rồi ôm lấy tôi rất
lâu. Những lúc đó, tôi cố kìm khỏi òa khóc vì nhớ mẹ và quê hương.
Buổi tối, tôi ngồi đọc báo hoặc nghe đài Mỹ. Tôi muốn nhận được
thông tin về tình hình Tổ quốc những tháng năm sau chiến tranh. Dù rằng
những thông tin đó hầu hết sai lệch và bị xuyên tạc. Nhiều lúc tức giận, tôi
thốt lên nguyền rủa những kẻ xuyên tạc. Ngay sau đó, tôi giật mình. Những
sơ suất nhỏ như thế dễ dàng làm hỏng công việc của tôi. Rất may thời gian
đó tôi ở nhà một bà mẹ Mỹ hiền lành. Và đó cũng là bài học cho tôi tự rèn
luyện.
Có một buổi chiều cuối thu, tôi đã gục đầu vào một gốc cây bên đường
và khóc rất lâu. Tôi nhớ Hùng. Tôi đã gặp anh trong một buổi chiều như thế
ở rừng Trường Sơn. Chúng tôi đóng quân ở gần nhau. Cây lá và sương khói
rừng Trường Sơn đã chở chúng tôi vào mơ mộng. Tôi đã yêu anh say đắm.