Đó là cái thời không quá xa khi vé điện tử còn chưa ra đời: tấm vé máy bay
bằng bìa các tông có ép plastic, nó là thực tế sờ thấy được trong đáy túi
xách hay trong túi áo nơi bàn tay sờ vào ba mươi lần mỗi ngày cho yên tâm.
Bất tiện là ở chỗ nếu đánh mất vé thì phải kỳ công lắm mới có được một
bản sao khác. Nhưng không có chuyện tôi đánh mất biểu tượng tự do của
mình.
Gia đình anh đi Nagoya, tôi ở cùng Rinri trong lâu đài bê tông ba ngày tết,
những ngày duy nhất thực sự bị cấm không làm việc ở Nhật. Người ta còn
cấm cả nấu nướng. Mẹ anh chất đầy những chiếc hộp sơn mài truyền thống
những món nguội thường được dùng trong ba ngày không làm việc đó: mì
kiều mạch, đậu ngọt, bánh gạo và những thứ kỳ quặc khác ngon mắt hơn là
ngon miệng.
- Em không phải cố ăn mấy món đó đâu, Rinri nói. Bản thân anh cũng
chẳng ngại ngùng gì mà cứ nấu spaghetti ăn.
Tôi không thấy mình phải cố: đúng là không ngon lắm thật, nhưng tôi mê
mẩn nhìn những hạt đậu bóng nhẫy đường phản chiếu trên nền đen sâu
thẳm của sơn mài. Tôi lấy đũa nhón từng hạt một, cầm cái hộp vuông lên
ngang mắt để khỏi bỏ lỡ bất cứ giây phút nào cảnh đó.
Nhờ có tấm vé máy bay giấu kỹ mà những ngày đó trôi qua thật. Tôi nhìn
chàng trai với vẻ tò mò khoan dung: anh là người tôi đã cùng trải qua hai
năm hạnh phúc và giờ sắp bỏ trốn đi. Chuyện thật kỳ cục, thật phí hoài vô
lý. Chẳng phải anh là người có cái gáy đẹp nhất, có kiểu cách cao nhã nhất
đó sao? Chẳng phải tôi thấy thực sự dễ chịu khi ở cùng anh đó sao, vừa tò
mò vừa thoải mái, cuộc sống chung như vậy chẳng phải là lý tưởng sao?
Chẳng phải anh thuộc về đất nước tôi yêu đó sao? Chẳng phải anh là bằng
chứng duy nhất cho thấy hòn đảo tôi yêu dấu không rũ bỏ tôi sao? Chẳng